2013-09-30

Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! – Chương 7 – Sơ đồ tư duy (Mind Map®)

GHI CHÚ: BÍ QUYẾT CỦA NHỮNG ĐIỂM 10 

Chào mừng bạn đến với Chương 7. Xin chúc mừng bạn vì đã dành thời gian đọc đến chương này. Việc bạn nỗ lực hoàn tất sáu chương vừa qua chứng tỏ rằng bạn coi trọng việc đạt được những thành công trong cuộc sống. Tôi muốn bạn biết rằng các cuộc khảo sát cho thấy 80% những người mua sách không bao giờ đọc hết chương đầu tiên. Thật là lãng phí khủng khiếp. Một lần nữa, những người này là những người “THÍCH ĐƯỢC” thành công nhưng không sẵn sàng làm tất cả mọi việc để thành công. Vậy thì, hãy tự chúc mừng bạn một lần nữa, và cùng bắt đầu khám phá Chương 7 đầy thú vị.
Bạn vừa được học phương pháp đọc hiệu quả, cách thu thập những ý chính và từ khóa trong sách giáo khoa, tài liệu môn học. Bạn cần sử dụng chúng để ghi chú một cách hiệu quả dễ nhớ nhất.
GHI CHÚ: BÍ QUYẾT CỦA NHỮNG ĐIỂM 10
Sau khi tìm hiểu hàng ngàn học sinh giỏi, tôi phát hiện ra một kỹ năng chung mà họ sử dụng trong học tập. Đó là việc họ luôn ghi chú theo nhiều cách phù hợp với từng cá nhân. Nhiều học sinh nói với tôi rằng những ghi chú này nắm giữ bí quyết thành công của họ. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói rằng ghi chú giúp họ sắp xếp kiến thức theo một cách riêng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ghi chú cũng giúp họ giảm thời gian ôn bài vì trong đó chỉ chứa đựng những thông tin quan trọng họ cần phải nhớ.
Nói một cách khác, có ba lý do chính tại sao bạn phải ghi chú:
  1. Ghi chú giúp bạn tiết tiệm thời gian
  2. Ghi chú giúp bạn tăng khả năng nhớ bài
  3. Ghi chú giúp bạn hiểu bài tốt hơn
PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG CÓ PHẢI LÀ TỐT NHẤT?
Sau khi xem qua các ghi chú của rất nhiều học sinh, tôi khám phá ra rằng 95% học sinh ghi chú theo kiểu truyền thống. Ghi chú theo kiểu truyền thống là ghi chú thành từng câu, thường là từ trái sang phải. Có hai dạng ghi chú kiểu truyền thống cơ bản.
DẠNG 1
Dạng đầu tiên của ghi chú kiểu truyền thống được tạo ra từ các đoạn văn trong sách. Dạng ghi chú này giống như một quyển sách thứ hai nhưng khác một chỗ là nó chỉ tổng hợp các khái niệm quan trọng. Ví dụ:
Ba Trạng Thái Vật Chất
Vật chất có ba trạng thái: rắn, lỏng và khí.
Ở trạng thái rắn, các phân tử được sắp xếp sát nhau tạo thành một hình dạng cụ thể. Giữa các phân tử có những lực hút mạnh mẽ giúp chúng cố định vị trí. Nhờ vậy, các phân tử riêng biệt chỉ có thể dao động xung quanh vị trí cố định đó.
Ở trạng thái lỏng, các phân tử nằm cách nhau khá xa và không hình thành một hình dạng cụ thể nào. Các lực hút giữa chúng yếu hơn và do đó, các phân tử không nằm ở vị trí cố định. Chúng có thể thay đổi vị trí với nhau.
Ở dạng khí, các phân tử còn nằm cách xa nhau nhiều hơn. Chúng di chuyển với tốc độ cao và va chạm vào nhau.
DẠNG 2
Cách thức ghi chú kiểu truyền thống thứ hai thường được gọi là viết dưới dạng nhiều phần mục. Ở dạng này, các đoạn văn hoặc các câu văn ngắn được đánh số và sắp xếp theo trình tự. Mỗi câu văn chứa đựng một ý chính liên quan cần được học. Ví dụ:
Ba Trạng Thái Vật ChấtI. Trạng Thái Rắn
  1. Phân tử được sắp xếp sát nhau, tạo thành một hình dạng cụ thể.
  2. Lực hút giữa các phân tử giữ chúng tại vị trí cố định.
  3. Phân tử dao động xung quanh vị trí đó.
II. Trạng Thái Lỏng
  1. Phân tử không được sắp xếp theo một hình dạng cụ thể và ở cách xa nhau.
  2. Phân tử không được giữ cố định tại chỗ.
  3. Phân tử có thể di chuyển xung quanh. Do đó, chất lỏng có thể chảy.
III. Trạng Thái Khí
  1. Phân tử ở cách nhau rất xa.
  2. Phân tử di chuyển với tốc độ cao và va chạm vào nhau.
Mặc dù phương pháp ghi chú kiểu truyền thống là phương pháp chúng ta được dạy và được hầu hết (95%) các học sinh sử dụng, chúng ta phải tự hỏi liệu phương pháp này có thật sự hiệu quả không. Thực tế chứng minh rằng, khi tất cả mọi người cùng làm theo một cách nào đó, không có nghĩa đó là cách tốt nhất.

NHỮNG BẤT LỢI CỦA PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG 

Xin phép được hỏi bạn một câu. Số học sinh đạt điểm 10 thường xuyên là 5% hay 95% trong tổng số học sinh? Câu trả lời là 5%, phần thiểu số. Số học sinh gặp khó khăn trong việc học là 5% hay 95%? Câu trả lời là 95%, phần đa số – những học sinh này thường cảm thấy việc học khó khăn nhàm chán. Rất rõ ràng, những việc đa số mọi người làm không có vẻ đem lại hiệu quả. Để đạt thành tích xuất sắc, chúng ta phải làm những việc mà đa số mọi người không làm. Chúng ta biết rằng các học sinh giỏi ghi chú với mục đích tiết kiệm thời gian, nhớ bài và hiểu bài tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu liệu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp họ đạt những mục đích ấy?
1. PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG CÓ GIÚP BẠN TIẾT KIỆM THỜI GIAN KHÔNG? KHÔNG!
Liệu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp bạn cắt giảm những khoản thời gian không cần thiết và tiết kiệm hầu hết thời gian không? Câu trả lời là không. Mặc dù ghi chú kiểu truyền thống giúp bạn chắt lọc thông tin từ trong sách, kiểu ghi chú này vẫn chứa đựng những từ thứ yếu giúp tạo thành câu văn hoàn chỉnh nhưng lại không cần thiết cho việc học của bạn (chiếm 60-80% tổng số từ). Vậy thì 60-80% thời gian học và cả trí nhớ của bạn vẫn bị lãng phí khi bạn ghi chú kiểu truyền thống.
2. PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG CÓ GIÚP BẠN NHỚ BÀI TỐT NHẤT KHÔNG? KHÔNG!
Câu hỏi quan trọng tiếp theo là liệu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp bạn nhớ bài tốt không? Nếu chúng thật sự đem lại lợi ích như vậy, tất cả học sinh đã không gặp khó khăn trong việc nhớ bài nữa. Chúng ta đều biết việc này trên thực tế là chưa bao giờ xảy ra. Ở Chương 8: Trí Nhớ Siêu Đẳng Dành Cho Từ, tôi sẽ phác thảo bảy nguyên tắc để có một Trí Nhớ Siêu Đẳng. Các nguyên tắc này bao gồm liên tưởng, hình dung, làm nổi bật sự việc, sử dụng màu sắc, suy luận, sử dụng âm điệu và trí tưởng tượng. Trong khi đó, phương pháp ghi chú kiểu truyền thống không hề sử dụng bất kỳ một nguyên tắc nào được nhắc đến ở trên.
Ghi chú kiểu truyền thống không hề có hình vẽ cho bạn hình dung.Ghi chú kiểu truyền thống không thể hiện sự khác nhau giữa các điểm chính trong bài mà chỉ đơn thuần là liệt kê các điểm đó.

Ghi chú kiểu truyền thống không làm nổi bật thông tin. Ngược lại, ghi chú này thể hiện thông tin một cách nhàm chán đơn điệu.

Ghi chú kiểu truyền thống sử dụng rất ít màu sắc. Hầu hết các ghi chú đều được viết bằng mực đen hoặc xanh.

Ghi chú kiểu truyền thống không mang tính suy luận. Bạn không thể nắm được thông tin tổng quát ngay từ phút đầu tiên bạn đọc phần ghi chú.

Ghi chú kiểu truyền thống không tận dụng được trí tưởng tượng của bạn chút nào.
Không có gì là khó hiểu khi hầu hết các học sinh than phiền trí nhớ của họ rất kém. Lý do là vì các ghi chú của họ không tận dụng được sức mạnh thật sự tiềm ẩn bên trong trí nhớ của họ.
3. PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG CÓ GIÚP BẠN TỐI ƯU HÓA SỨC MẠNH NÃO BỘ KHÔNG? KHÔNG!
Ở chương mục nói về não bộ, chúng ta đã đề cập tới việc các thiên tài có khả năng đạt những thành tích xuất chúng là vì họ tận dụng được cả hai bán cầu não cùng một lúc. Đáng tiếc, phương pháp ghi chú kiểu truyền thống là một cách thức học tập dành cho não trái. Nó không tận dụng được các chức năng của não phải và do đó không tối ưu hóa sức mạnh não bộ của bạn.

SƠ ĐỒ TƯ DUY: CÔNG CỤ GHI CHÚ TỐI ƯU 

Nếu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống không hiệu quả như chúng ta thường nghĩ, vậy một công cụ ghi chú hiệu quả phải như thế nào? Câu trả lời là: một công cụ ghi chú hiệu quả phải tận dụng được những từ khóa cũng như các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Với cách ghi chú như thế, cả não trái lẫn não phải, hay phần lớn công suất của não bộ sẽ được huy động triệt để nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Sơ Đồ Tư Duy (phát minh bởi Tony Buzan) chính là công cụ ghi chú tuyệt vời giúp bạn đạt được tất cả các yếu tố trên. Đó chính là lý do tại sao Sơ Đồ Tư Duy được gọi là công cụ ghi chú tối ưu.
Nguyên tắc Trí Nhớ Siêu Đẳng + Từ khóa + Não trái phải = Sơ Đồ Tư Duy

LỢI ÍCH CỦA SƠ ĐỒ TƯ DUY
Hình vẽ minh họa bên dưới là một ví dụ của Sơ Đồ Tư Duy về “Tác động thời tiết”, một chương học trong sách giáo khoa địa lý (Singapore). Chúng ta hãy cùng so sánh và phân tích các ưu điểm của việc ghi chú theo kiểu này.
1. SƠ ĐỒ TƯ DUY GIÚP BẠN TIẾT KIỆM THỜI GIAN VÌ NÓ CHỈ TẬN DỤNG CÁC TỪ KHÓA
Nếu bạn nhìn kỹ Sơ Đồ Tư Duy về “Tác động thời tiết” phía trên, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi phát hiện ra nó bao hàm kiến thức từ 10 trang sách giáo khoa. Nhờ vào việc tận dụng những từ khóa và hình ảnh sáng tạo, một khối lượng kiến thức như thế được ghi chú hết sức cô đọng trong một trang giấy, mà không bỏ lỡ bất kỳ một thông tin quan trọng nào. Tất cả những thông tin cần thiết để đạt điểm cao trong kỳ thi vẫn được lưu giữ nguyên vẹn từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Ví dụ, khi nhìn vào Sơ Đồ Tư Duy về “Tác động thời tiết” ở phía trên, bạn có thể thấy rằng: định nghĩa “Tác động cơ học” của thời tiết là việc những khối đá lớn bị vỡ ra thành những khối đá nhỏ hơn khi chịu tác động từ một lực vật lý. Định nghĩa dài này được giảm lại chỉ còn 1/3 trong Sơ Đồ Tư Duy.
Bạn có thể tưởng tượng bạn có bao nhiêu lợi thế so với bạn bè không? Khi cần phải ôn lại bài trước ngày thi, bạn có thể ôn lại toàn bộ chương sách dài 20 trang chỉ bằng việc ôn lại 2-3 trang Sơ Đồ Tư Duy. Bạn của bạn có thể phải mất một tiếng để hoàn tất việc ôn lại cùng một chương sách mà vẫn có thể bỏ sót thông tin, trong khi bạn chỉ cần 20 phút để ôn lại toàn bộ kiến thức một cách hoàn chỉnh.
2. SƠ ĐỒ TƯ DUY TẬN DỤNG ĐƯỢC CÁC NGUYÊN TẮC CỦA TRÍ NHỚ SIÊU ĐẲNG
Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng, ngoài việc tận dụng các từ khóa, Sơ Đồ Tư Duy còn tận dụng được các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng, và nhờ đó tăng khả năng tiếp thu và nhớ bài nhanh của bạn.
a. SỰ HÌNH DUNG
Sơ Đồ Tư Duy có rất nhiều hình ảnh để bạn hình dung về kiến thức cần nhớ. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Đối với não bộ, Sơ Đồ Tư Duy giống như một bức tranh lớn đầy hình ảnh màu sắc phong phú hơn là một bài học khô khan, nhàm chán.
b. SỰ LIÊN TƯỞNG
Sơ Đồ Tư Duy hiển thị sự liên kết giữa các ý tưởng một cách rất rõ ràng. Ví dụ, bạn có thể nhìn thấy ngay “Tác động thời tiết” bao gồm 3 loại tác động (“Tác động xói mòn”, “Tác động cơ học”, “Tác động hóa học”) và “Mức độ tác động”. Bạn cũng có thể thấy ngay lập tức “Tác động cơ học” của thời tiết có hai ý chính. Đó là “Định nghĩa tác động cơ học” và “Các loại tác động cơ học”
c. LÀM NỔI BẬT SỰ VIỆC
Thay cho những từ ngữ tẻ nhạt đơn điệu, Sơ Đồ Tư Duy cho phép bạn làm nổi bật các ý tưởng trọng tâm bằng việc sử dụng những màu sắc, kích cỡ, hình ảnh đa dạng. Hơn nữa, việc Sơ Đồ Tư Duy dùng rất nhiều màu sắc khiến bạn phải vận dụng trí tưởng tượng sáng tạo đầy phong phú của mình. Nhưng đây không chỉ là một bức tranh đầy màu sắc sặc sỡ thông thường, Sơ Đồ Tư Duy giúp bạn tạo ra một bức tranh mang tính lý luận, liên kết chặt chẽ về những gì bạn được học.
3. SƠ ĐỒ TƯ DUY SỬ DỤNG CẢ HAI BÁN CẦU NÃO CÙNG MỘT LÚC
Một lần nữa, xin được nhấn mạnh rằng: Sơ Đồ Tư Duy thật sự giúp bạn tận dụng các chức năng của não trái lẫn não phải khi học. Đây chính là công cụ học tập vận dụng được sức mạnh của cả bộ não. Nếu vận dụng đúng cách, nó sẽ hoàn toàn giải phóng những năng lực tiềm ẩn trong bạn, đưa bạn lên một đẳng cấp mới, đẳng cấp của một tài năng thực thụ hay thậm chí của một thiên tài.

CÁC BƯỚC VẼ SƠ ĐỒ TƯ DUY 

Bây giờ thì bạn đã hiểu được sức mạnh của Sơ Đồ Tư Duy, vậy làm sao bạn có thể vẽ được Sơ Đồ Tư Duy một cách tối ưu nhất? Ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn phương pháp vẽ Sơ Đồ Tư Duy theo từng bước và các quy tắc trong cách vẽ.
Nhằm mục đích minh họa, giả sử bạn muốn vẽ một Sơ Đồ Tư Duy về chính bản thân bạn. Giả sử bạn tên Nam, chủ đề của Sơ Đồ Tư Duy sẽ là “Nam”.
BƯỚC 1: VẼ CHỦ ĐỀ Ở TRUNG TÂM
Bước đầu tiên trong việc tạo ra một Sơ Đồ Tư Duy là vẽ chủ đề ở trung tâm trên một mảnh giấy (đặt nằm ngang).
 Quy tắc vẽ chủ đề:
  1. Bạn cần phải vẽ chủ đề ở trung tâm để từ đó phát triển ra các ý khác.
  2. Bạn có thể tự do sử dụng tất cả màu sắc mà bạn thích.
  3. Bạn không nên đóng khung hoặc che chắn mất hình vẽ chủ đề vì chủ đề cần được làm nổi bật dễ nhớ.
  4. Bạn có thể bổ sung từ ngữ vào hình vẽ chủ đề nếu chủ đề không rõ ràng.
  5. Một bí quyết vẽ chủ đề là chủ đề nên được vẽ to cỡ hai đồng xu “5000 đồng”.
Trong ví dụ này, chủ đề là “Nam”, nên bạn có thể vẽ một hình ảnh đại diện “Nam”.
BƯỚC 2: VẼ THÊM CÁC TIÊU ĐỀ PHỤ
Bước tiếp theo là vẽ thêm các tiêu đề phụ vào chủ đề trung tâm.
Quy tắc vẽ tiêu đề phụ:
  1. Tiêu đề phụ nên được viết bằng CHỮ IN HOA nằm trên các nhánh dày để làm nổi bật.
  2. Tiêu đề phụ nên được vẽ gắn liền với trung tâm.
  3. Tiêu đề phụ nên được vẽ theo hướng chéo góc (chứ không nằm ngang) để nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng.

Trong ví dụ này, chúng ta có thể vẽ thêm bốn tiêu đề phụ như “Tính cách”, “Gia đình”, “Trường học” và “Mục tiêu”.
BƯỚC 3: TRONG TỪNG TIÊU ĐỀ PHỤ, VẼ THÊM CÁC Ý CHÍNH VÀ CÁC CHI TIẾT HỖ TRỢ
Quy tắc vẽ ý chính và chi tiết hỗ trợ:
  1. Chỉ nên tận dụng các từ khóa và hình ảnh.
  2. Bất cứ lúc nào có thể, bạn hãy dùng những biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian vẽ và thời gian. Mọi người ai cũng có cách viết tắt riêng cho những từ thông dụng. Bạn hãy phát huy và sáng tạo thêm nhiều cách viết tắt cho riêng bạn. Đây là một số cách viết tắt tôi thường xuyên sử dụng.
Hình vẽ
Không có:  X có
Suy ra: =>
Tăng lên / Giảm xuống: /
Lớn hơn / nhỏ hơn: > / <
  1. Mỗi từ khóa / hình ảnh nên được vẽ trên một đoạn gấp khúc riêng trên nhánh. Trên mỗi khúc nên chỉ có tối đa một từ khóa. Việc này giúp cho nhiều từ khóa mới và những ý khác được nối thêm vào các từ khóa sẵn có một cách dễ dàng (bằng cách vẽ nối ra từ một khúc).
  2. Tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm.
  3. Tất cả các nhánh tỏa ra từ một điểm (thuộc cùng một ý) nên có cùng một màu.
  4. Chúng ta thay đổi màu sắc khi đi từ một ý chính ra đến các ý phụ cụ thể hơn.

BƯỚC 4: Ở BƯỚC CUỐI CÙNG NÀY, HÃY ĐỂ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA BẠN BAY BỔNG
Bạn có thể thêm nhiều hình ảnh nhằm giúp các ý quan trọng thêm nổi bật, cũng như giúp lưu chúng vào trí nhớ của bạn tốt hơn.

CẤU TRÚC SƠ ĐỒ TƯ DUY

Một cách điển hình, Sơ Đồ Tư Duy có cấu trúc như sau:
DÒNG CHẢY THÔNG TIN
Xin lưu ý rằng không giống như cách viết thông thường, Sơ Đồ Tư Duy không xuất phát từ trái sang phải và từ trên xuống dưới theo kiểu truyền thống.
Thay vào đó, Sơ Đồ Tư Duy được vẽ, viết và đọc theo hướng bắt nguồn từ trung tâm di chuyển ra phía ngoài và sau đó là theo chiều kim đồng hồ. Do đó, bạn sẽ thấy các từ ngữ nằm bên trái Sơ Đồ Tư Duy nên được đọc từ phải sang trái (bắt đầu từ phía trong di chuyển ra ngoài). Các mũi tên xung quanh Sơ Đồ Tư Duy bên dưới chỉ ra cách đọc thông tin trong sơ đồ. Các số thứ tự cũng là một cách hướng dẫn khác.
Bốn kết cấu chính I, II, III, IV trong Sơ Đồ Tư Duy phía trên được gọi nhánh chính. Sơ Đồ Tư Duy này có bốn nhánh chính vì nó có bốn tiêu đề phụ. Số tiêu đề phụ là số nhánh chính. Đồng thời, các nhánh chính của Sơ Đồ Tư Duy được đọc theo chiều kim đồng hồ, bắt nguồn từ nhánh I tới nhánh II, rồi nhánh III, và cuối cùng là nhánh IV. Bạn hãy tham khảo các mũi tên màu đen trong hình vẽ.
Tuy nhiên, các từ khóa được viết và đọc theo hướng từ trên xuống dưới trong cùng một nhánh chính. Bạn hãy tham khảo các mũi tên màu xanh trong hình vẽ.

SỨC MẠNH CỦA SƠ ĐỒ TƯ DUY: BÀI TẬP THỰC HÀNH

Bây giờ thì bạn đã hiểu các bước cơ bản và các quy tắc trong việc phát triển một Sơ Đồ Tư Duy. Sau đây, bạn sẽ được hướng dẫn qua một quá trình ghi chú một trang sách cơ bản thành một Sơ Đồ Tư Duy đơn giản. Chúng ta sẽ dùng chủ đề “Ba dạng vật chất” trong một bài học vật lý. Bằng cách này, tôi sẽ cho bạn thấy tác dụng của Sơ Đồ Tư Duy trong việc giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhớ bài và hiểu bài hiệu quả hơn.
Trước khi bắt đầu tiến trình vẽ Sơ Đồ Tư Duy, tôi muốn bạn thử nghiệm sự khác biệt giữa việc học từ Sơ Đồ Tư Duy so với việc học từ cách ghi chú theo kiểu truyền thống. Ngay bây giờ, bạn hãy đọc đoạn văn bên dưới về chủ đề “Ba dạng vật chất” theo cách bình thường mà bạn vẫn đọc (không sử dụng cách đọc hiệu quả).
Ba Dạng Vật Chất
Chất Rắn
Các phân tử ở dạng rắn được sắp xếp theo một hình dạng nhất định và nằm sát nhau. Do có rất ít khoảng trống giữa các phân tử nên chất rắn không thể bị nén lại. Ở chất rắn, các phân tử được cố định một chỗ nhờ vào các lực tương tác giữa chúng. Chính vì thế, mỗi phân tử chất rắn chỉ có thể dao động xung quanh một vị trí cố định mà thôi.
Các lực tương tác giữa các phân tử chất rắn bao gồm lực hút và lực đẩy. Lực hút ngăn chặn việc các phân tử di chuyển một cách tự do ra khỏi điểm cố định. Lực đẩy ngăn chặn việc các phân tử va vào nhau trong khi di chuyển. Cho nên, chất rắn có hình dạng và khối lượng cố định.
Khi chất rắn gặp nhiệt độ, năng lượng của các phân tử tăng lên gây ra sự dao động nhiều hơn. Do đó, khoảng cách giữa các phân tử tăng lên làm chất rắn bị nở ra.
Chất Lỏng
Các phân tử trong chất lỏng nằm khá xa nhau so với chất rắn. Tuy nhiên, chúng vẫn nằm đủ gần khiến cho chất lỏng cũng không thể bị nén lại. Các lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng không mạnh bằng lực tương tác giữa các phân tử chất rắn. Kết quả là các phân tử chất lỏng có thể di chuyển xung quanh chất lỏng đó một cách tự do. Đây là lý do tại sao chất lỏng không có hình dạng cố định mà có hình dạng của những vật chứa. Tuy nhiên, chất lỏng cũng có khối lượng cố định vì các lực hút giữa các phân tử ngăn chặn việc chúng bay hơi và thoát khỏi chất lỏng đó.
Khi chất lỏng gặp nhiệt độ, các phân tử dao động và di chuyển mạnh hơn. Điều này gây ra việc các phân tử di chuyển xa hơn và chất lỏng bị bay hơi.
Chất Khí
Các phân tử trong chất khí ở rất xa nhau. Kết quả là có rất nhiều khoảng trống giữa chúng khiến cho chất khí có thể bị nén lại.
Các phân tử chất khí dao động ngẫu nhiên với tốc độ cao, va vào nhau và vào các thành của bình chứa. Lực tương tác giữa chúng chỉ xuất hiện khi có va chạm xảy ra. Tuy nhiên, lực tương tác này không đáng kể trong hầu hết thời gian. Do đó, chất khí không có hình dạng và khối lượng nhất định.

Bạn đã đọc hết đoạn văn trên chưa? Tốt. Bây giờ, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây. Nên nhớ, bạn không được xem lại đoạn văn vừa rồi khi trả lời câu hỏi.
BÀI KIỂM TRA VỀ LƯỢNG THÔNG TIN BẠN NHỚ ĐƯỢC
 Bạn hãy viết ra câu trả lời của bạn trong khoảng trống bên dưới.
  1. Viết ra những ý bạn nhớ được trong phần “Chất rắn”.
  2. Bạn cần biết bao nhiêu thông tin về chất rắn? Có bao nhiêu ý chính trong đó?
Bạn cần phải trả lời các câu hỏi trước khi đọc tiếp. Bây giờ, bạn hãy kiểm tra lại câu trả lời của bạn với đoạn văn vừa rồi. Bạn có viết được tất cả các ý trong bài không? Bạn viết được bao nhiêu ý chính? Tôi dám đánh cược là bạn viết không đủ ý.
Bất cứ lúc nào tôi đặt câu hỏi này trong hầu hết mọi khóa học, tôi đều nhận thấy đa số học sinh không thể liệt kê được tất cả các ý về “Chất rắn”. Họ thường bỏ lỡ một vài ý. Thêm vào đó, các ý cũng không được liệt kê theo đúng thứ tự. Lý do là cách ghi chú theo kiểu truyền thống kém hiệu quả khiến họ rất khó sắp xếp và ghi nhớ thông tin một cách chính xác. Trong khi đó, ai cũng biết rằng trong các kỳ thi, chúng ta cần phải trả lời đầy đủ tất cả các ý liên quan để có thể đạt điểm trọn vẹn cho mỗi câu hỏi.
VẼ SƠ ĐỒ TƯ DUY VỀ “BA DẠNG VẬT CHẤT”
Bây giờ đã đến lúc chuyển “Ba dạng vật chất” vào Sơ Đồ Tư Duy. Bắt đầu nào
BƯỚC 1: CÁCH ĐỌC TỪ KHÓA HIỆU QUẢ
Bước đầu tiên là đọc lại đoạn văn lần nữa. Lần này, bạn hãy tận dụng phương pháp đọc hiệu quả mà bạn đã học và thu thập thông tin bằng cách đánh dấu các từ khóa. Bên dưới là ví dụ minh họa.
Ba Dạng Vật Chất

Chất Rắn

Các phân tử ở dạng rắn được sắp xếp theo một hình dạng nhất định và nằm sát nhau. Do có rất ít khoảng trống giữa các phân tử nên chất rắn không thể bị nén lại. Ở chất rắn, các phân tử được cố định một chỗnhờ vào các lực tương tác giữa chúng. Chính vì thế, mỗi phân tử chất rắn chỉ có thể dao động xung quanhmột vị trí cố định mà thôi.
Các lực tương tác giữa các phân tử chất rắn bao gồm lực hút và lực đẩyLực hút ngăn chặn việc các phân tử di chuyển một cách tự do ra khỏi các điểm cố địnhLực đẩy ngăn chặn việc các phân tử va vào nhautrong khi di chuyển. Cho nên, chất rắn có hình dạng và khối lượng cố định.
Khi chất rắn gặp nhiệt độnăng lượng của các phân tử tăng lên gây ra sự dao động nhiều hơn. Do đó,khoảng cách giữa các phân tử tăng lên làm chất rắn bị nở ra.

BƯỚC 2: VẼ CHỦ ĐỀ Ở TRUNG TÂM
Như bạn vừa được học, việc đầu tiên là vẽ chủ đề ở chính giữa trang giấy (đặt nằm ngang).
BƯỚC 3: THÊM CÁC TIÊU ĐỀ PHỤ

Kế tiếp, thêm các tiêu đề phụ vào trung tâm. Trong trường hợp này, chúng ta thêm “Chất rắn” vào trung tâm. Tốt nhất là bạn nên phát triển toàn bộ các ý trong một đề mục trước khi vẽ tiếp các đề mục tiếp theo như “Chất lỏng’ và “Chất khí”. Việc này giúp bạn canh khoảng trống tốt hơn và các nhánh thông tin không bị lẫn lộn vào nhau.
BƯỚC 4: THÊM CÁC Ý CHÍNH VÀ CHI TIẾT HỖ TRỢ

Bạn đã có sẵn các từ khóa được đánh dấu trong đoạn văn, hãy bắt đầu thêm các ý chính và chi tiết hỗ trợ vào tiêu đề phụ đầu tiên “Chất rắn”. Xin nhắc lại, bạn nên phát triển đầy đủ “Chất rắn” trước khi thêm các ý và chi tiết khác vào “Chất lỏng” và “Chất khí”.
Đoạn văn đầu tiên:
Các phân tử ở dạng rắn được sắp xếp theo một hình dạng nhất định và nằm sát nhau. Do có rất ít khoảng trống giữa các phân tử nên chất rắn không thể bị nén lại. Ở chất rắn, các phân tử được cố định một chỗ nhờ vào các lực tương tác giữa chúng. Chính vì thế, mỗi phân tử chất rắn chỉ có thể dao động xung quanh một vị trí cố định mà thôi.
Đoạn văn này có thể được chuyển vào Sơ Đồ Tư Duy như sau.
Bạn có thể thấy toàn bộ đoạn văn này dựa vào ý chính “phân tử” và có ba ý phụ. Đồng thời, bạn cũng để ý có rất nhiều hình ảnh được thêm vào nhằm giúp bạn dễ nhớ thông tin.
Đoạn văn thứ hai:
Các lực tương tác giữa các phân tử chất rắn bao gồm lực hút và lực đẩyLực hút ngăn chặn việc các phân tử di chuyển một cách tự do ra khỏi các điểm cố địnhLực đẩy ngăn chặn việc các phân tử va vào nhau trong khi di chuyển. Cho nên, chất rắn có hình dạng và khối lượng cố định.
Đoạn văn thứ hai dựa vào một ý chính khác là “lực tương tác”. Do đó, chúng ta có thể tạo  một nhánh mới cho ý chính này. Đồng thời, “lực tương tác” có hai ý phụ. Các ý này có thể được thêm vào Sơ Đồ Tư Duy như sau.
Sau khi vẽ các ý chính, ý phụ và chi tiết hỗ trợ từ phần “Chất rắn” vào Sơ Đồ Tư Duy, chúng ta sẽ có hình vẽ sau đây.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SƠ ĐỒ TƯ DUY VÀ GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG

Trước khi tiếp tục vẽ hoàn tất hai tiêu đề phụ “Chất lỏng”, “Chất khí” và toàn bộ Sơ Đồ Tư Duy, chúng ta hãy cùng xem xét các tác dụng hữu ích của Sơ Đồ Tư Duy đối với chúng ta. Hãy cùng so sánh cách ghi chú kiểu truyền thống và Sơ Đồ Tư Duy trong phần đầu tiên về “Chất rắn”.
1. ĐÚNG THẾ! SƠ ĐỒ TƯ DUY GIÚP BẠN TIẾT KIỆM THỜI GIAN
PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG
Ba Dạng Vật ChấtChất Rắn
Các phân tử ở dạng rắn được sắp xếp theo một hình dạng nhất định và nằm sát nhau. Do có rất ít khoảng trống giữa các phân tử nên chất rắn không thể bị nén lại. Ở chất rắn, các phân tử được cố định một chỗ nhờ vào các lực tương tác giữa chúng. Chính vì thế, mỗi phân tử chất rắn chỉ có thể dao động xung quanh một vị trí cố định mà thôi.
Các lực tương tác giữa các phân tử chất rắn bao gồm lực hút và lực đẩy. Lực hút ngăn chặn việc các phân tử di chuyển một cách tự do ra khỏi các điểm cố định. Lực đẩy ngăn chặn việc các phân tử va vào nhau trong khi di chuyển. Cho nên chất rắn có hình dạng và khối lượng cố định.
Khi chất rắn gặp nhiệt độ, năng lượng của các phân tử tăng lên gây ra sự dao động nhiều hơn. Do đó khoảng cách giữa các phân tử tăng lên làm chất rắn bị nở ra.

PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ BẰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY
Nếu bạn đếm số từ trong phần “Chất rắn”, có tổng cộng 185 từ bạn phải đọc trong ghi chú kiểu truyền thống. Tuy nhiên, chúng ta đã giảm số từ này xuống còn khoảng hơn 20 từ trong Sơ Đồ Tư Duy. Điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta không chỉ lưu lại được tất cả những thông tin quan trọng mà còn liên kết chúng lại với nhau một cách rõ ràng hợp lý. Bạn đã giảm được 60-80% thời gian học của bạn một cách hiệu quả.
2. ĐÚNG THẾ! SƠ ĐỒ TƯ DUY GIÚP BẠN NHỚ BÀI
Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét liệu Sơ Đồ Tư Duy có giúp bạn nhớ tất cả thông tin tốt hơn không. Bạn hãy nghiên cứu thật kỹ Sơ Đồ Tư Duy phía trên. Bạn có thể thấy trong Sơ Đồ Tư Duy này, ở phần “Chất rắn” có bốn ý chính bạn cần phải nhớ: “phân tử”, “lực tương tác”, “hình dạng và khối lượng cố định” và “gặp nhiệt độ”.
Ở phần “phân tử”, có ba ý phụ và các chi tiết hỗ trợ: “hình dạng nhất định”, “sát nhau” và “vị trí cố định”.
Ở phần “lực tương tác”, có hai ý phụ và các chi tiết hỗ trợ: “hút” và “đẩy”, vân vân và vân vân.
Bằng cách đọc Sơ Đồ Tư Duy như thế, bạn có thể thấy tất cả các thông tin được sắp xếp theo từng nhóm có hệ thống. Cùng với những hình ảnh nổi bật và những nguyên tắc khác của Trí Nhớ Siêu Đẳng, bạn có thể ghi nhớ tất cả các ý. Bây giờ, bạn hãy đọc lại toàn bộ Sơ Đồ Tư Duy theo cách trên trước khi tiếp tục đọc phần kế tiếp.
Tiếp theo, bạn hãy trả lời lại những câu hỏi trước về phần “Chất rắn” mà không cần xem lại đoạn văn hoặc Sơ Đồ Tư Duy.

CÁC LOẠI SƠ ĐỒ TƯ DUY

Có ba loại Sơ Đồ Tư Duy cơ bản nhằm giúp bạn sắp xếp kiến thức và học tập một cách hiệu quả.
1. SƠ ĐỒ TƯ DUY THEO ĐỀ CƯƠNG
Dạng đầu tiên là Sơ Đồ Tư Duy theo Đề Cương (còn gọi là Sơ Đồ Tư Duy Tổng Quát). Dạng này được tạo ra dựa trên bảng mục lục trong sách.
Dạng Sơ Đồ Tư Duy này mang lại một cái nhìn tổng quát về toàn bộ môn học. Những Sơ Đồ Tư Duy theo đề cương khổng lồ về các môn học dán trên tường sẽ rất hữu ích cho bạn. Chúng giúp bạn có khái niệm về số lượng kiến thức bạn phải chuẩn bị cho kỳ thi. Bạn nên tạo Sơ Đồ Tư Duy theo Đề Cương cho mỗi môn học. Hình vẽ bên dưới là một Sơ Đồ Tư Duy theo Đề Cương dành cho môn vật lý cấp hai (Singapore).
2. SƠ ĐỒ TƯ DUY THEO CHƯƠNG
Kế tiếp, bạn phải vẽ Sơ Đồ Tư Duy cho từng chương sách riêng biệt. Đối với các chương ngắn khoảng 10-12 trang, bạn có thể tập trung tất cả thông tin trên một trang Sơ Đồ Tư Duy.
Đối với những chương dài khoảng 20 trang trở lên, bạn có thể cần đến 2-3 trang Sơ Đồ Tư Duy. Cho nên, giả sử bạn đang vẽ Sơ Đồ Tư Duy về chương “Vật chất”, bạn có thể đánh dấu các trang Sơ Đồ Tư Duy của bạn là “Vật chất 1”, “Vật chất 2”, vân vân.
Một điều quan trọng nữa bạn nên nhớ rằng một Sơ Đồ Tư Duy lý tưởng không nên chỉ lưu lại những ý chính mà còn phải thể hiện đầy đủ tất cả các chi tiết hỗ trợ quan trọng khác.
Bạn có thể kèm thêm các bảng dữ liệu, đồ thị và các loại biểu đồ khác trong Sơ Đồ Tư Duy nếu cần thiết. Hình vẽ bên dưới là một ví dụ về Sơ Đồ Tư Duy theo Chương của chủ đề “Tốc độ, vận tốc và gia tốc trong vật lý”.
3. SƠ ĐỒ TƯ DUY THEO ĐOẠN VĂN
Một cách khác là vẽ Sơ Đồ Tư Duy theo từng đoạn văn nhỏ trong sách. Mỗi Sơ Đồ Tư Duy dùng để tóm tắt một đoạn văn hoặc một trích đoạn trong sách.
Sơ Đồ Tư Duy theo đoạn văn giúp bạn tiết kiệm thời gian ôn lại những thông tin cần thiết mà không cần đọc lại đoạn văn đó. Bạn có thể vẽ những Sơ Đồ Tư Duy tí hon này lên những nhãn dán nhỏ và đính chúng trong sách giáo khoa của bạn.
Những Tác Động Mạnh Của Ngành Đánh Bắt Cá Lên Cuộc Sống Chúng Ta Dân số thế giới được dự đoán là sẽ đạt đến con số hơn tám tỉ trước năm 2030. Số lượng đất nông nghiệp để trồng trọt thực phẩm có thể không đủ nuôi sống tổng dân số khổng lồ như vậy. Ngoài việc mở rộng đất nông nghiệp bằng cách làm ẩm đất và khai hoang, chúng ta còn có một nguồn thực phẩm thay thế tốt nhất khác từ biển.
Ngoài vai trò là một nguồn thức ăn quan trọng đối với con người, các loại cá còn được dùng để chế tạo các sản phẩm công nghiệp như phân bón, keo dán và thức ăn dự trữ lâu. Trên thực tế, có hơn 30% tổng số cá đánh bắt trên toàn thế giới được dùng vào những mục đích trên.
Ngành công nghiệp đánh bắt cá còn hỗ trợ cho sự tồn tại của các ngành công nghiệp liên quan như ngành đóng và sửa tàu, chế tạo và bán lẻ dụng cụ đánh bắt cá cũng như ngành sản xuất nước đá và hộp thiếc.

Các Yếu Tố Vật Lý Ảnh Hưởng Đến Ngành Đánh Bắt Cá

Độ Sâu Của Nước
Yếu tố vật lý đầu tiên ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá là độ sâu của nước. Ở chỗ nước nông, ánh sáng mặt trời xuyên xuống đáy đại dương. Ánh sáng mặt trời kích thích sự tăng trưởng của các sinh vật nuôi sống cá. Kết quả là các sinh vật này sinh sôi mạnh mẽ thu hút rất nhiều loại cá. Đây là lý do tại sao những chỗ nước nông là nơi đánh bắt cá lý tưởng.






Nhiệt Độ Nước
Những vùng nước lạnh có khuynh hướng đánh bắt cá tốt hơn so với vùng biển nhiệt đới ấm áp. Lý do là vì trong vùng nước lạnh, các loại vi khuẩn làm hại những sinh vật làm thực phẩm cho cá ít phát triển hơn. Việc này giúp cho các loại sinh vật thực phẩm này tăng trưởng thu hút nhiều loại cá. Vào mùa đông, lớp nước ấm hơn dưới đáy biển nổi lên thay thế lớp nước lạnh bề mặt đem theo các loại muối dinh dưỡng cần thiết cho các sinh vật làm thực phẩm cho cá.

CHÚ Ý
Sơ Đồ Tư Duy là một công cụ giúp bạn học tập hiệu quả, tiết kiệm thời gian thông qua việc tận dụng cả não trái lẫn não phải để giúp bạn tiếp thu bài nhanh hơn, hiểu bài kỹ hơn, nhớ được nhiều chi tiết hơn. Tuy nhiên, Sơ Đồ Tư Duy không phải là một tác phẩm hội họa. Cho nên, việc dành quá nhiều thời gian để trau chuốt cho Sơ Đồ Tư Duy của bạn thành một “tác phẩm hội họa” có thể khiến bạn lãng phí hơn là tiết kiệm thời gian. Bạn có thể dành những thời gian này để hoàn thành bài tập hoặc các công việc cần thiết khác. Chính vì thế, bạn cần chú ý tránh rơi vào việc “trang trí, trau chuốt” thay vì “ghi chú” (là mục đích chính khi bạn sử dụng Sơ Đồ Tư Duy). Ngay cả đối với phương pháp ghi chú kiểu truyền thống cũng thế, một số học sinh tiêu phí rất nhiều thời gian chỉ để “trang trí” cho những ghi chú mà không thật sự chú tâm vào việc học.
Hơn nữa, tôi khuyên bạn luôn luôn vẽ Sơ Đồ Tư Duy cho chương sách trước khi đến lớp nghe giảng. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể hoàn tất Sơ Đồ Tư Duy trước giờ học, hãy để việc đó lại sau giờ học. Thời gian nghe giảng trong lớp hết sức quan trọng và quý báu. Bạn cần phải tập trung 100% để đạt hiệu quả cao nhất.
Đến đây là kết thúc chương Sơ Đồ Tư Duy. Trong chương kế tiếp, bạn sẽ được học cách phát huy trí nhớ tự nhiên siêu đẳng của não bộ để có thể nhớ được tất cả các thông tin dễ dàng.
Phạm Thị Hợi sưu tầm

No comments:

Post a Comment