2014-02-20

Nghệ thuật về lời nói

                                       Việc gì cũng thế, nếu ta đã nói tới 2, 3 lần mà người khác không nghe thì không nên nói nữa vì nói nữa là nhàm. Sẽ làm hư hỏng mối quan hệ giữa ta và người. Hoặc người đó đã có quá nhiều người can ngăn, thậm chí người đã can ngăn còn hơn cả ta mà người đó cũng không nghe thì ta cũng không nên nói họ nữa nếu không chỉ nhận được sự bực dọc và trút giận của mọi người mà thôi. Lời nói của ta quý giá ngàn vàng, ý của ta là ý ngọc vì thế ta không nên tùy tiện nói ra những điều vô nghĩa, vô ý. Như thế là tự tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Lời ta nói ra mà không nhận được sự tôn trọng và hưởng ứng của người khác là lời nói rước nhục vào thân.
Tự là hại mình và hại người. Vì người nghe cũng khó chịu và mệt mỏi vì những lời nói mà họ không muốn nghe theo và vô nghĩa của ta. Các cụ xưa chẳng từng nói: Tâm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi. Là có ý những người ít nói sẽ suy nghĩ nhiều hơn, do vậy mà trí tuệ phát triển và làm được những việc lớn lao phi thường. Ngược lại các cụ cũng có câu ca có ý chê trách và khinh thường những người nói nhiều, nói nhàm. Những người nói ít suy nghĩ, nói cho vui theo kiểu “ kiếm câu chuyện mua vui làm quà”:
                         Rượi nhạt uống mãi cũng say
                    Người khôn nói lắm cũng quay ra rồi!
Người dù khôn đến đâu, mà không biết tiết kiệm lời nói của mình. Trước khi nói không cân nhắc thiệt hơn, không suy nghĩ trước sau. Không uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Nói lấy được! Nói nhiều đến mức bão hòa sức ảnh hưởng của ta với thế giới xung quanh thì sẽ không được coi trọng và trí tuệ sẽ càng ngày càng suy kiệt đi.
Ngày xưa lời nói được coi là thước đo đầu tiên của “ người quân tử” thế nên các cụ mới có những câu: Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan chi; Vua không nói chơi, quân tử không nói đùa; Câu nói: Một lời nói nặng tựa chin đỉnh là thể hiện tinh thần và khí phách của người quân tử xưa: Nhất ngôn cửu đỉnh. Trong dân gian, người ta cũng rất coi trọng. Bởi thế họ luôn dậy bảo con cháu mình: Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Hoặc như câu ca dao:
                                                Lời nói chẳng mất tiền mua
                                           Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Ngày nay, pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận. Mọi công dân đều có quyền tự do nói nên suy nghĩ và cảm xúc của mình nhưng không được vượt qua giới hạn quy định của luật pháp về quy định này giống như việc dùng lời nói của mình để xúc phạm và nhục mà người khác, nói ra những việc làm xâm hại quyền riêng tư của người khác …
Từ xưa đến nay người “ nói ít làm nhiều” đều được xem trọng, những kẻ “ nói thì hay làm thì dở” luôn bị chê cười. Mà dân gian ta đã hình tượng qua câu: “ Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” là chỉ hạng người này. Sự im lặng luôn được so sánh là vàng. Nếu không nói ra được những lời quý như ngọc thì ta cứ giữ sự im lặng để có vàng là hơn. Sách có câu: “ Nếu một tên ngu dốt biết giữ im lặng thì hắn trông cũng giống như một nhà thông thái im lặng” là như vậy!
Phạm Thị Hợi 

>> Cân bằng

No comments:

Post a Comment