2014-10-05

Nghệ thuật của nhà lãnh đạo

                  Muốn nước vững bền thì luật pháp phải công bằng và nghiêm minh. Muốn công ty công lớn mạnh thì các quy định, cơ chế lương bổng, thưởng, phạt, chính sách đãi ngộ phải đảm bảo công bằng và hợp lý. Muốn gia đình vững bền, các thành viên gia đình đều hạnh phúc và thật sự là tổ ấm yêu thương của các thành viên. Là nơi phục hồi và tái sản xuất các nguồn năng lượng trong cơ thể, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và tài năng, sức mạnh của mỗi cá nhân. Thì gia đình đó phải có nề luật, quy củ và trật tự rõ ràng.
                 Vẫn biết việc giữ vững những nguyên tắc sẽ tạo nên uy quyền, sức mạnh và sự thành công. Nghệ thuật của nhà lãnh đạo là biết lúc cương, lúc nhu, lúc mạnh, lúc yếu, lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn để thu được lợi ích tối đa. Không phải lúc nào ta cũng nhất nhất làm theo một cách và đúng với những gì quy đnh.
 Vì thực tế, đối tượng quản lý, lãnh đạo của họ là con người. Không phải là cỗ máy. Và vì là con người nên mỗi người sẽ có những tình cảm và tính cách khác nhau. Họ có khả năng riêng và sức chịu đựng riêng với từng vấn đề cụ thể.
                  Nói gì thì nói thì tình cảm cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc của mỗi người. Một người không thể nào lao động tốt khi bố mẹ anh ta mới chết. Hay đứa con nhỏ của cô ta đang lên cơn sốt cao và lằm trong bệnh viện. … Hoặc gia cảnh nhà cô ta đang rơi vào cơn biến loạn, bản thân cô ta thì đang mắc bệnh hiểm nghèo. …
                 Một người lãnh đạo có nghệ thuật sẽ tranh thủ những lúc này để quan tâm, động viên nhân viên kịp thời, đúng lúc và đúng mức độ. Người lãnh đạo có thể mềm mỏng cho nhân viên của mình nghỉ phép mấy ngày để lo toan chuyện của gia đình. Có thể cho họ về sớm một chút. Có thể đứng ra  tổ chức cho mọi người trong công ty đến thăm hỏi động viên gia đình nhân viên. Thậm chí có người còn chia sẻ ghánh nặng cho nhân viên như trả tiền viện phí, tự tay chăm sóc người nhà nhân viên khi bị ốm đau nếu anh ta còn đang bận việc công ty.
                   Đối với lòng người, đôi khi chỉ những hành động nhỏ, một cái vỗ vai động viên an ủi chia sẻ, một cái nhìn cảm thông, một giọt nước mắt đồng cảm … cũng có sức lay động và thu phục lòng người rất lớn. Nguyên tắc cơ bản của tất cả những hành động này là sự chân thành. Chân thành luôn là cái gốc của mọi điều thiện và đẹp đẽ ở đời.
                  Nếu nhà lãnh đạo mềm mỏng và ôn hòa quá sẽ rất dễ mất hết uy quyền. Kỷ cương và nề nếp bị dối loạn. Mọi người sẽ không chuyên tâm và cố hết sức vào công việc của mình. Nhưng nếu nhà lãnh đạo mà cứng rắn quá, lạnh lùng theo nguyên tắc quá thì rất có thể làm tổn thương nhân viên của mình. Vì mỗi người một hoàn cảnh, khả năng và điều kiện sống đôi khi rất khác nhau. Và các tình huống khi xẩy ra trong cuộc sống cũng rất khác. Việc áp dụng cứng đơ một nguyên tắc cho tất cả có thể sẽ khiến nhân viên nảy sinh tình cảm bất mãn trong lòng. Người lãnh đạo lúc này cũng cần nhìn vào chữ “ tình” để giải quyết vấn đề.
                  Một nhà lãnh đạo đầy quyền uy và chí tình chí nghĩa thì luôn được nhân viên tôn trọng và kính phục.


                                                           Tác giả: Phạm Thị Hợi

No comments:

Post a Comment