Tủ lạnh là một vật dụng không thể thiếu trong bếp của mỗi gia đình. Sử dụng tủ lạnh đúng cách không những giúp bạn bảo vệ tuổi thọ của máy mà còn tiết kiệm được lượng điện đáng kể. Bạn có thể tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây.
- Nên đặt tủ lạnh cách tường tối thiểu 10 cm để đảm bảo lưu thông không khí làm mát dàn lạnh.
- Nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, khoảng nửa tháng một lần hoặc ít nhất là 1 lần mỗi tháng để tránh cho vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển. Hãy bắt đầu bằng việc vặn nút điều chỉnh từ vị trí (ON) hoặc (OFF) để ngắt điện tủ lạnh hoặc rút nguồn ra. Lấy toàn bộ thực phẩm, giá đỡ trong tủ ra ngoài. Mở cửa tủ để tuyết trên ngăn đá tan chảy (không dùng dao, hay vật cứng để cạy tuyết trên ngăn đá), sau đó dùng khăn mềm lau khô.
- Khi cọ rửa tủ lạnh cần tránh tình trạng để nước đọng lại ở đáy tủ. Nên để tủ lạnh trở lại rồi mới đặt thực phẩm vào trong.
- Khoảng 1 tháng 1 lần cho tủ lạnh nghỉ ngơi 30 phút bằng cách vặn nút điều chỉnh (thermostat) về vị trí (ON) hoặc (OFF), sau đó để tủ chạy bình thường.
- Không nên nhồi nhét quá nhiều thứ vào tủ lạnh vì cần có đủ không gian để không khí trong tủ lạnh lưu thông tốt.
- Hạn chế mở tủ lạnh nhiều lần và thời gian mở lâu quá mức cần thiết. Làm như thế sẽ tiêu hao một lượng điện. Cũng không nên che kín các giá để thực phẩm trong tủ lạnh.
- Không nên để thức ăn nóng trong tủ lạnh, vì sẽ làm ảnh hưởng đến bộ dàn làm mát, giảm tuổi thọ của tủ lạnh.
- Khi tủ lạnh tắt hoặc khởi động mà nghe tiếng kêu, có thể các vít bắt của dàn lạnh bị lỏng. Nên rút điện và đệm thêm miếng cao su vào, xiết chặt.
- Nên làm sạch các loại đồ ăn thức uống trước khi cho vào tủ. Các loại thực phẩm có mùi đặc trưng, hay thức ăn mặn nên bỏ vào túi hay hộp kín rồi mới cho vào tủ lạnh, tránh tình trạng phát tán mùi, bay hơi mặn gây hiện tượng ăn mòn tủ lạnh.
- Trong lúc mở cửa tủ lạnh không nên để gió quạt thốc thẳng vào sẽ làm tủ quá tải, tốn điện.
- Khi tủ lạnh không lạnh có thể do tủ lạnh chứa nhiều thực phẩm hoặc núm công tắc (rơ le) để không phù hợp. Nên lấy bớt thực phẩm ra ngoài, vặn núm công tắc lên nhiệt độ lạnh hơn. Kiểm tra lại độ lạnh sau khi điều chỉnh.
Tiếp theo....
Giải Pháp Bếp Điện Khi Giá Gas Tăng
Giá gas tăng cao trong thời gian qua đã khiến nhiều gia đình ngán ngẩm, sắm bếp điện về dùng. Vậy dùng bếp điện có thật sự giúp tiết kiệm hơn bếp gas? Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ các chuyên gia.
Tiết kiệm 50%
Đó là mức tiết kiệm chi phí từ việc dùng bếp điện (bếp điện từ và bếp điện quang - bếp hồng ngoại) so với việc dùng bếp gas mà ông Mã Khai Hiền - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng đã tính toán. Ông Hiền cho biết: do hiệu suất của bếp gas chỉ đạt 40%, còn hiệu suất của bếp điện từ và bếp hồng ngoại đạt tới 80-90%. Nếu nấu 100 lít nước từ nhiệt độ 30oC đạt 100oC sẽ tốn tới 52.500đ khi dùng bếp gas (tính giá gas ở mức 425.000đ/bình 12 kg) thì khi dùng bếp điện chỉ tốn từ 18.200-23.000đ (tính giá điện ở mức 2.000đ/KWh). Đó là chưa kể thời gian nấu bằng bếp điện sẽ ngắn hơn nhiều so với nấu bằng bếp gas.
Tuy nhiên, một kỹ sư làm việc lâu năm tại Trung tâm thương mại Dân Sinh (TP.HCM) cho biết: các gia đình không nên “trùm mền” bếp gas mà nên dùng xen kẽ với bếp điện từ vì bếp gas sẽ hữu dụng trong trường hợp cúp điện hoặc khi giá gas xuống mạnh. Đồng thời, bếp điện từ và bếp hồng ngoại chỉ dùng được ở nơi có nguồn điện mạnh và ổn định. Riêng bếp điện từ có thêm hạn chế là kén nồi, chỉ dùng được với nồi inox một đáy.
Nói không với bếp điện kém chất lượng
Đó là lời khuyên của một lãnh đạo Trung tâm thương mại Dân Sinh. Bếp điện chất lượng kém sẽ rất nhanh hỏng, chỉ dùng được một thời gian ngắn, chưa kể nguy cơ gây cháy nổ rất cao. Anh Trần Mạnh Luân, một thợ điện gia dụng ở Q.3, TP.HCM cũng cho biết thời gian qua có rất nhiều người mang bếp điện từ và bếp hồng ngoại đến yêu cầu sửa, trong đó, tập trung nhiều nhất là hàng tặng phẩm trong các chương trình khuyến mãi và dòng sản phẩm giá rẻ có giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng/cái. Tuy nhiên, dù bếp đã được sửa xong vẫn không thể dùng bền vì linh kiện trong bếp rất kém. Theo anh Luân, đối với bếp điện từ và bếp hồng ngoại, người mua nên chọn bếp có giá trên 1 triệu đồng. Ngoài ra, bà Vũ Lê Trinh - chủ một cửa hàng kinh doanhhàng gia dụng lâu năm ở Q.1, TP.HCM chia sẻ thêm, người mua nên chọn bếp của những nhà sản xuất có chế độ bảo hành tốt và có trạm bảo hành tại tỉnh, thành phố mình đang sống để tiện lợi và không mất thời gian trong việc sửa chữa hay bảo hành sản phẩm.
Tiếp theo....
Cách Xử Lý Khi Gặp Động Đất
Động đất xảy ra hàng ngày trên trái đất nhưng hầu hết đều ở mức độ nhẹ, không gây ra thiệt hại và đa số chúng ta đều không cảm nhận thấy động đất. Thực tế chỉ những trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên con người mới có thể cảm nhận được và chỉ có những trận động đất lớn hơn 5 độ richter mới bắt đầu gây ra thiệt hại.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có vài trận động đất xảy ra tuy không lớn và không gây thiệt hại nào đáng kể, nhưng cũng làm cho đại bộ phận người dân cảm thấy lo sợ và hoang mang. Đặc biệt là những người đang sống và làm việc trong những tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn. Dưới đây là một vài điều bạn ghi nhớ để xử lý khi gặp phải động đất.
Nếu đang ở trong nhà
1. Hạ thấp người xuống nền nhà; tìm chỗ trú dưới gầm bàn, gầm giường hay các đồ đạc vững chắc khác; và ở đó cho đến khi động đất dừng lại. Nếu không hề có cái bàn nào gần bạn, hãy dùng tay che mặt và đầu, cuộn tròn mình rồi núp vào góc nhà. Nếu bạn đang ở trên giường vào ban đêm, hãy ở nguyên vị trí và che đầu bằng một chiếc gối. Trừ khi bạn đang ở dưới dụng cụ chiếu sáng nặng có thể rơi vỡ. Trong trường hợp đó, hãy nhanh chóng di chuyển tới chỗ an toàn gần nhất.
2. Tránh xa thủy tinh, cửa sổ, cửa nhà, tường, hay bất kỳ cái gì có thể đổ, như đồ đạc, hay các đồ chiếu sáng.
3. Bạn cần nhớ tuyệt đối không tìm cách rời khỏi tòa nhà vì bạn có thể sẽ bị thương thậm chí bị chết do các đồ vật trên cao rơi xuống. Cũng không cố gắng mở các cửa sổ hoặc cửa ra vào vì kính vỡ có thể làm bạn bị thương. Hãy ở trong nhà cho đến khi hết rung động, và đã an toàn để ra ngoài. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết các chấn thương xảy ra khi những người ở trong nhà đang cố gắng di chuyển sang vị trí khác hoặc cố gắng rời nhà.
4. Nếu đang ở trong một tòa nhà được trang bị hệ thống báo cháy, hoặc hệ thống phun nước tự động thì những hệ thống này có thể bị kích hoạt khi tòa nhà rung chuyển mặc dù không có sự cố cháy. Bạn nên biết điều này để đừng hoảng sợ. Không sử dụng thang máy để di chuyển. Hãy sử dụng thang bộ và di chuyển càng nhanh càng tốt xuống mặt đất. Khi đã xuống đất, bạn hãy nhanh chóng rời xa tòa nhà để tránh bị thương bởi các vật trên cao có thể rơi xuống.
Nếu đang ở bên ngoài
1. Xem vị trí của mình đang đứng và tìm cách tránh xa nhà cao tầng, đèn đường, các hệ thống dây công cộng như dây điện, cáp, cây cối…
2. Khi ở bên ngoài, bạn hãy đợi cho đến khi hết rung hãy di chuyển. Nguy hiểm lớn nhất ở ngay bên ngoài các tòa nhà, ở lối ra, và dọc theo bề ngoài các bức tường. Rất nhiều trường hợp trong số 120 cái chết thảm ở trận động đất Long Beach 1933 là do mọi người chạy ở bên ngoài tòa nhà rồi chết do các mảnh vỡ từ các tòa nhà bị sập. Di chuyển của mặt đất trong khi động đất hiếm khi là nguyên nhân chính gây nên chết hay bị thương. Hầu hết các trường hợp chết hay bị thương liên quan là do tường đổ, các mảnh thủy tinh bay ra, và các vật rơi xuống.
3. Nếu bạn đang ở vùng núi, hãy chú ý đến nguy cơ sạt lở đất hoặc đá rơi xuống từ trên cao.
4. Còn nếu bạn đang ở vùng biển thì hãy ngay lập tức di chuyển lên vùng cao hơn. Động đất có tâm chấn ngoài khơi có nhiều khả năng gây ra sóng thần. Và bạn đã biết hậu quả nghiêm trọng của sóng thần rồi đó?
Nếu trong phương tiện đang di chuyển
1. Nếu điều kiện an toàn cho phép, hãy dừng xe ngay lập tức và ngồi yên trong xe. Tuyệt đối không dừng xe gần hay dưới các tòa nhà, cây cối, cầu vượt, và các hệ thống dây điện công cộng.
2. Bắt đầu đi từ từ cẩn thận khi hết rung động. Tránh đường, cầu hoặc đập có thể bị hư hỏng bởi động đất.
Nếu bị kẹt dưới đống đổ vỡ
1. Không châm diêm.
2. Không di chuyển hay đá bụi lên.
3. Dùng khăn tay hoặc vải che miệng.
4. Hãy gõ vào ống nước hay tường để nhân viên cứu hộ có thể định vị được bạn. Hãy dùng còi nếu có, và cách cuối cùng có thể là hét lên. Tuy vậy, la hét có thể làm bạn hít vào một lượng lớn các khí bụi độc hại
Phạm Thị Hợi sưu tầm
Xem thêm các bài viết
No comments:
Post a Comment