2014-09-28

Giải mã sự thành công

                   Trong cuộc sống ta hay gặp những người dù ở vào vị trí nào thì cũng sớm muộn đạt được những thành tựu đáng nể. Họ trước sau như một. Khi nghèo khổ họ cũng là những người nghèo khổ đáng nể trọng. Vì họ luôn biết giữ gìn, bồi dưỡng nhân cách mình. Kiên cường trên con đường vượt khó làm giàu hợp pháp và thành công. Khi giàu có, thành công họ vẫn là người hiền lành tử tế, nhân hậu. Ở nhà họ đối xử tốt với mọi người, dành được sự kính nể của người thân và làm chủ gia đình. Đến nơi làm việc họ cũng đối xử tốt với người xung quanh và làm lãnh đạo nơi đó. Khi về hưu họ cũng làm chủ hội hưu trí. Lúc rơi vào hiểm nghèo họ vẫn có khả năng vượt qua nguy hiểm hơn hẳn những người khác. Ta hay gọi đó là người tốt! Và vì là người tốt lên ở vị trí nào trong cuộc sống người đó vẫn phát huy được hết khả năng, thu phục được lòng người và được đặt vào những vị trí cao trong các cơ quan tổ chức.


                   Điều gì làm lên sự khác biệt ở họ? Tại sao cũng là con người, cũng một điều cần nói mà người này nói thì người khác nghe, người kia nói thì không ai nghe? Người này được rất nhiều người nể trọng, yêu mến người kia thì không? Đôi khi chỉ nhìn người mà người ta tôn trọng và yêu mến ngay. Nhìn người mà người ta tin tưởng. Còn có người mới nhìn mà người ta đã ghét. Nói chẳng ai thèm nghe. Trong kinh doanh cũng thế. Tại sao vẫn là một gói bánh, nếu người này bán ta lập tức trả tiền mà người kia bán vẫn loại bánh đó ta lại có ý muốn được giảm giá và còn cân kéo lại vì nghĩ có thể đã bị cân điêu? ... 
                   Câu trả lời là người đó có nhân cách của con người! Nhân cách của con người được hình thành từ khi chúng ta còn là một đứa trẻ và gần như không phát triển nữa khi con người đến tuổi trưởng thành. Thông thường là vào khoảng ba mươi tuổi. Nếu không có sự đột biến đặc biệt thì sau tuổi ba mươi, con người có tính khí như thế nào thì gần như giữ nguyên. Khi ấy con người đã trưởng thành thật sự. Và trong suốt quá trình hình thành và phát triển nhân cách, ai có nhiều điều kiện bồi dưỡng và phát triển nhân cách tốt hơn thì chắc chắn họ sẽ thành công hơn trong xã hội. Hay ít ra là họ rất được tôn trọng trong xã hội. 
                     Đó cũng là lý do mà mọi quốc gia trên thế giới đều có một hệ thống giáo dục để bồi dưỡng, phát huy và định hướng phát triển nhân cách của công dân trong đất nước mình. 
                   Người có nhân cách tốt nhất là người luôn trung chính, cương minh, chính trực và thẳng thắn. Trung ở đây nghĩa là sự trung thực, thật thà, đúng đắn và khôn ngoan. Trung còn có nghĩa ở giữa mà ta hay dùng các từ như trung điểm của một đường thẳng hay trung tâm. Ở đây ta đang nói đến con người. Vậy trung tâm của con người là ở đâu? Đó là trái tim của ta. Hãy lắng nghe lời mách bảo của trái tim. Đó luôn là những gì đúng đắn nhất mà ta có. Có câu danh ngôn của một triết gia rất nổi tiếng:

                                           Trước một trí tuệ tôi cúi đầu
                                           Trước một trái tim tôi quỳ gối!

                  Trái tim là trung tâm của sự sống, của tri thức và tình cảm của con người. Trung còn là cốt cách cô đọng lại của mỗi con người. Là phần chính giữa nhất. Là ý tình lớn nhất của con người. Luôn hành xử theo những gì cao quý, tốt đẹp nhất của bản thân. Là phần vững vàng nhất của bản thân. Là bản lĩnh vững vàng không nghe những lời phiến diện bên ngoài mà thay đổi quan điểm và ý kiến bản thân:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
                                                          (Ca dao)
                   Vì có sự vững vàng của bản thân này mà ta luôn có những quyết sách, chiến lược đúng đắn, vững vàng. Đó chính là chữ chính.
Chính ở đây trong từ " danh chính, ngôn thuận", đó là sự công khai, minh bạch và đúng đắn hợp lẽ với văn hóa và pháp luật hiện thời. Chính là sự chính đáng phải như thế mới là lẽ phải. 
                   Người trung chính là người luôn trung thực và cái thực của họ lại là sự chính đáng và hợp  lẽ ở đời. Vì thế họ luôn hiên ngang, mạnh mẽ, hành xử đúng đắn đúng mình hợp người. Kết quả là họ rất được yêu mến, kính trọng. Làm việc gì cũng thành công. Dân ta có câu nói nôm rất hay để chỉ những người này: " Có đức mặc sức mà ăn". Được ở bên và làm bạn với những người này là điều vô cùng may mắn và hạnh phúc.
                  Việc giáo dục và tự giáo dục nhân cách của mỗi người là vô cùng quan trọng. Nhân cách cũng bị ảnh hưởng đáng kể từ sự cân đối khỏe mạnh và toàn vẹn của cơ thể mỗi người. Một thân thể khỏe mạnh, toàn vẹn thường là cơ sở tốt để có một nhân cách cũng tốt lành và đẹp đẽ phát triển.
                   Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ cổ chí kim, yếu tố con người luôn là yếu tố then chốt hàng đầu cho sự phát triển và thành công. Nếu bạn vẫn cứ đang luẩn quẩn trong cái vòng thất bại, đói nghèo và thất bại thì hãy xem xét lại nhân cách của bản thân. Đời thay đổi khi ta thay đổi.

                                                                     Tác giả: Phạm Thị Hợi


No comments:

Post a Comment