2016-04-18

Cái khổ của người có địa vị xã hội cao

      Người có học vị và vị trí cao  trong xã hội từ xưa cho đến nay vẫn được xã hội tôn trọng. Một mặt xã hội coi trọng họ, nhưng một mặt xã hội cũng đòi hỏi họ phải tốt đẹp hơn người. Một người nghèo khổ, bần hàn đi ăn cắp trong siêu thị một gói bánh để ăn cho đỡ đói. Xã hội sẽ xem đó là một việc bình thường, không đáng lưu tâm. Nhưng một chính trị gia, một ngôi sao giải trí, hay một vị giáo sư của đại học mà ăn trộm một gói bánh trong siêu thị, thì tin này sẽ được đăng khắp các mặt báo trong nước, có khi còn có cả báo quốc tế nữa. Dư luận thì được dịp bùng lên bàn tán xôn xao khắp nơi.


        Cùng một hành động ăn trộm bánh trong siêu thị. Nhưng hậu quả với hai con người trong xã hội lại rất khác nhau. Một người được bao dung, thương hại và tha thứ. Một người bị khinh bỉ, chỉ trích và chà đạp. Vì sao?
        Ta chỉ có thể lý giải là: Người nghèo đói cùng khổ kia là kẻ kém cỏi nhất trong xã hội. Suy nghĩ của họ vừa nông, vừa tối. Họ không được học hành, giáo dục đàng hoàng. Vì vậy, họ làm ra những việc sai lầm, xấu xa là việc đương nhiên. Đó gần như là thuộc tính của họ. Vì vậy không có lỗi. Người đời thường có xu hướng bao dung, thương xót người nghèo hèn. Họ có thể ban phát tiền bạc làm từ thiện cho họ. Một gói bánh họ ăn trộm cho đỡ đói thì có đáng là bao? Hơn nữa, tâm lý trong xã hội là luôn hướng tới tầng lớp trên trong xã hội. Một trẻ hạ dân ăn trộm đồ ăn thì có gì đáng quan tâm?
       Còn một người giàu có, sang quý, nổi tiếng, học vị cao thì sao? Họ là những người có ăn, có học hơn người. Họ có sự hiểu biết, địa vị xã hội hơn người. Vậy mà họ lại làm ra những việc của một kẻ hạ dân đã làm là ăn trộm bánh. Họ thật đáng khinh bỉ. Trong xã hội sẽ không ai bênh vực họ cả. Xã hội càng kỳ vọng ở tài năng, đức độ của bọ bao nhiêu. Giờ cả xã hội đều thất vọng ở họ bấy nhiêu. Họ không được bao dung và tha thứ. Nhất là họ lại là tâm điểm chú ý của toàn xã hội. 
      Qua việc này cho ta thấy, không phải mình có địa vị xã hội cao, có nhiều tiền tài và học thức thì ta muốn làm gì thì làm. Những lỗi sai của ta đôi khi từ con kiến sẽ biến thành con voi nhờ sự thêu dệt của cả xã hội. Sự nổi tiếng rất dễ đi cùng sự tai tiếng. Mình càng có địa vị xã hội cao, càng nổi tiếng trong thiên hạ, càng phải giữ mình thật thận trọng. Ngay cả khi chỉ có một mình, ta cũng cần hết sức thận trọng, không làm ra những việc đáng xấu hổ nếu bị đưa ra công luận. Làm được như thế, ta càng trở nên cao quý hơn.
                                                                  Tác giả: Phạm Thị Hợi
Đọc thêm các bài viết

<< Cách để nhận biết bản chất một con người

<< Hãy luôn sống tốt

<< Bài học quý

<< Hoạt động của não bộ con người bị ảnh hưởng từ nghề nghiệp



No comments:

Post a Comment