2015-04-05

Như Phù Sa Sữa Mẹ Hiền Nuôi Ta

     Để chuẩn bị cho cuốn " Trường cấp II Phạm Hồng Thái - Một thời để nhớ " ra đời. Ban biên soạn có "kêu gọi " các thầy và các em học sinh gửi ảnh và bài viết về những kỷ niemj của " Một thời để nhớ " cho Ban biên soạn. Rất vui, vì chỉ trong một thời gian ngắn. Ban biên soạn đã nhận được khá nhiều bài với  đủ các thể loại khác nhau gửi về. Bài nào đọc cũng cảm động. Cảm động vì nó là tiếng  lòng được viết ra từ gan ruột, từ trái tim của tình thầy trò, tình bè bạn cách đây gần một phần hai thế kỷ.

     Do khuôn khổ của cuối sách, tôi thật sự băn khoăn và cảm thấy mình có lỗi vì không thể giới thiệu được hết các bài. Chuộc lại, tôi viết bài để các thầy và các em thấy được một phần nào tấm lòng, tình cảm của các thầy và các em đối với trường cũ, thầy cũ, bạn xưa.
      Trần Thị Kính, quê ở Tiến Thịnh, trước là học sinh giỏi Toán, như tôi còn nhớ, đã tự bạch cái khó của mình khi đặt bút bài thơ:
       Tôi không biết làm thơ,
        Đâu dễ trái lòng mình trên tờ giấy trắng.
       Quả thật có thế. Rất khó. Vì cả thầy, cả trò không ai là nhà thơ cả. Nhưng không thể không viết. Không viết thì thấy lòng mình không yên khi trở lại mái trường xưa với biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu. Câu kết thật chứa chan tình cảm:
              Trăm năm nước trở về nguồn,
       Trong tim còn đó ... mát trường tuổi thơ.
        " Mái trường tuổi thơ". Đó là kỷ niệm. Là dấu ấn của cả một đời người. Giả dụ, nếu như tuổi thơ của ta không có một mái trường thì sao nhỉ? Tôi có một người bạn là Nhà giáo ưu tú, từng được giải thưởng thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có một bài thơ rất hay vê cái cổng trường. Nhà ai, dù giàu, dù nghèo cũng phải có một cái cổng mà qua lại. Đời người ai cũng một lần qua cổng trường. Và, nếu ai không được qua thì đó là nỗi bất hạnh lớn. Bài thơ có đoạn thế này:
        Nếu có người nào đấy
        Chưa một lần qua cổng trường
        Người ấy
        Hẳn có điều bất hạnh
        Nếu ai né tránh
        Đó là kẻ vô tâm
      Và anh kêt luận: " Trên đời có bao nhiêu thứ cổng/ Tôi nhớ về cổng trường".
      Cũng một tình cảm ấy, Đặng Minh Khang, trong  cái kho ký ức của mình, có một quãng thời gian ở tuổi khăn quàng đỏ thật đáng yêu. Khang viết: Trong kho ký ức tuổi thơ/ Tuổi mười bốn thật dại khờ đáng yêu". Câu thơ có một cai gì nuối tiếc khi bây giờ đã ở tuổi xế chiều. Mà ở tuổi này có muốn trở về cái thời " dại khờ " đâu có dễ, mặc dù Khang nói:
       Bốn lăm năm chặng đường dài,
       Mà em cứ ngỡ như ngày hôm qua
      Đó là Khang " cứ ngỡ" thế thôi chứ thời gian đâu có quay trở lại được.
      Cũng là nhớ về tuổi ấu thơ, về mái trường nhưng Nguyễn Thị Ninh, quê Thạch Đà có một sự khắc khoải riêng. Nhớ về mái trường là nhớ về quê hương. Cái chất quê nó đằm sâu trong các tên thôn, tên làng cụ thể, mộc mạc như " hạt lúa, hạt ngô":
       Làng tôi! ( Những cái ten nghe chẳng thơ đâu!)
       Thôn Một, thôn Hai, thôn Ba, thôn Bốn
       Đình Trong, Đền Ngoài, Chùa Bụt Mọc, Nhà thờ
       Quán Ngói, Cổng Tiên, Xóm Đông, Đê Bối ...
       Mộc mạc như hạt lúa, hạt ngô
       Gọi tên
       Nghe da diết
       Như lời ru của mẹ.
      Lư Văn Năm nhắc đến cái thời chăn trâu, cắt cỏ, tình bạn mới đáng yêu làm sao:
      Củ khoai lùi sống, chia nhau nửa,
      Vui tắm bên sông, dưới bãi bồi.
       Củ khoai lùi chưa kịp chín đã bẻ đôi chia nhau. Thử hỏi còn có gì sáng trong đẹp đẽ hơn. Niềm vui giản dị ấy liệu trẻ thơ thời @ còn có được không nhỉ? Thật tiếc lắm thay!
       Nguyễn Thị Bình thì ghi lại cái nhí nhảnh của những cô gái nông thôn mới lớn: " Bắp  ngô chia  đến mấy người/ Có thư giấu biệt để rồi xem chung:. Nhận được  thư của ai đó, vừa muốn giấu lại vừa muốn khoe. " Giấu biệt" là giấu kỹ lắm những chẳng được bao lăm lại mang ra để mà " khoe", để mà " xem chung". Thật đúng  là con gái tuổi học trò.
       Nguyễn Thị Hoa, nhiều năm xa quê, nay trở về mái trường xưa bồi hồi xúc động:
                    Thẫn thờ trở lại trường xưa
       Bâng khuâng nhớ cảnh, ngẩn ngơ nhớ người
                   Mấy mươi năm đã qua rồi,
       Xốn xang kỷ niệm một thời bên nhau.
       Ngày đó, các em học sinh đã lớn. Có em đã có vợ, có con. Ở tuổi ấy tình yêu học trò nảy nở là lẽ thường tình. Chẳng biết hồi đó Hoa có yêu ai không? Hoặc có yêu mà phải giữ kín trong lòng thì không biết. Hoa tâm sự: " Nhớ chăng cái tuổi học trò/ Cùng bàn, cùng lớp, cùng chờ đợi nhau". Rồi tự " an ủi" mình, rất cảm động:
                Có gì đâu! Có gì đâu!
        Không lời từ biệt, không câu hẹn hò.
       Đó là Hoa nói thế, còn tôi, tôi đâu có biết là Hoa " có gì đâu" hay không " có gì đâu" cơ chứ! Bởi lúc đó, tình yêu học trò:
              Vụng dại và sáng trong như tình bạn
              Thương nhau chẳng lấy được nhau
              Để lại một trời ...
                                           bối rối.
       Cũng có những đôi bạn học trò , không biết lúc đó có yêu vụng, giấu thầm như Hoa không, nhưng sau này lớn lên đã thành vợ, thành chồng, rất hạnh phúc và thành đạt. Tạo - Mười là một cặp như thế. Mái trường là nơi đã vun đắp và thắp lên ngọn lửa tình yêu của họ để họ suốt đời " nhớ mãi về nhau":
             Nơi chứa bao ký ức tuổi ấu thơ
             Nơi anh và em cùng được nghe thầy giảng
             Nơi thắp lên tình yêu thương trong sáng
             Để suốt đời vẫn nhớ mãi về nhau!
      Minh Hồng nhớ về trường xưa, thầy cũ với một tâm trạng khác. Em gửi đến các thầy cũ một lẵng hoa - lẵng hoa tình cảm và băn khoăn không biết các thầy có nhận được không:
             Hôm nay trong lẵng hoa này.
     Hương thơm có tới được thầy hay không?
     Hồng ơi! Tôi thay mặt các thầy có mặt cũng như các thầy vì lý do nào đó không có mặt nói với em và các bạn rằng chúng tôi đã nhận được. Nhận được tất cả tình cảm thân thiết, thơm thảo, đầy tình nghĩa thầy trò của các em ...
      Những năm đó thật khó khăn nhưng cũng rất hào hùng. Chiến tranh vệ quốc  đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong mỗi con người. Cả thầy, cả trò đều vui vẻ " gác bút nghiên theo việc binh đao". Trần Thanh Thuẫn, nguyên là Đại tá, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Biên phòng đã ghi lại cái cảnh " chuyển đổi ngôi vị" rất đáng yêu khi thầy trò gặp nhau ở chiến trường: " Trò là: Tướng tá chỉ huy/ Thầy là: " Chú lính binh nhì" mới toanh". Khi đánh giặc trò là chỉ huy, khi nghỉ ngơi trò lại vẫn là trò. Vui thật! Nhưng " Chiến tranh đâu phải trò đùa", đâu phải " đi trảy hội". Chiến tranh có quy luật riêng của nó. Đó là sự hy sinh. Và cái gì đến tất sẽ đến. Trong cuộc chiến ấy có thầy, có trò đã ngã xuống. Thầy Lỗ Ngọc Giao có một bài thơ rất cảm động viết về thầy giáo liệt sĩ Trần Tạo. Mỗi người ngã xuống là cả dân tộc đau đớn. Nhưng đau đớn nhất vẫn là người Mẹ.
             Me ngồi tựa cửa nhìn ra,
        Má nhăn, tóc bạc, mắt nhòa, lệ rơi
   Mẹ " Má nhăn, tóc bạc, mắt nhòa, lệ rơi" vì con mẹ không trở về. Bài thơ là một nén tâm nhang tưởng nhớ đến thầy Tạo và chia sẻ nỗi đau với Mẹ. Mẹ hoàn toàn có quyền tự hào về những đứa con đã " Sống anh dũng, chết quang vinh/ Con không còn để màu xanh mãi còn".
       Ngót nửa thế kỷ đã qua đi với biết bao thăng trầm của lịch sử, của đời người vậy mà hôm nay thầy trò mình vẫn về đây được với nhau, dưới mái trường thân yêu này thì thật là một hạnh phúc quá lớn. Vui nhất là học trò đã lớn khôn, đã trưởng thành nhưng tình cảm thì vẫn đằm thắm như xưa. Thầy Nguyễn Văn Can, nguyên là hiệu trưởng của trường, tự hào tâm sự:
               Em đi khắp bốn phương trời
       Hành trang mang nặng những lời thầy răn
               Em như hạt nắng mùa xuân ...
        Còn thầy Nguyễn Văn Phú đã viết bài thơ " Năm nhăm điệu/ Năm nhăm vần/ Năm nhăm ý thiết tha" để ghi lại 55 gương mặt lớp 7B từ ngày ấy, nay đọc lại vẫn như thấy cả cái hơi thở, cái sức sống tươi rói của tuổi học trò hơn bốn mươi năm về trước. Thầy Trần Ngọc Hùng lại có cái lo của người già trước thời thế. Thầy tự hỏi đã gần nửa thế kỷ trôi qua liệu " đò xưa bến cũ" có còn ai? Nhưng rồi, khi về trường cũ, gặp lại trò xưa, thầy vui đến bất ngờ vì " đò xưa bến cũ bây giờ vẫn đông".
       Muốn ai nói gì thì nói cuộc gặp mặt này là tình, là nghĩa. Chức quyền không thay được. Tiền tài không mua được. Vì đây là tiếng gọi từ sâu thẳm của những trái tim, của những tấm lòng về với nhau đúng như Nguyễn Thức Tư đã giãi bày: " Cuộc đời ai hiển ai vinh/ Hiển vinh, vinh hiển, nghĩa tình là hơn". Đúng vậy! Hiển vinh, vinh hiển ... tất cả rồi cũng sẽ qua đi. Cái mãi mãi còn lại là tình nghĩa. Cho nên khi đã về đây  thì tất cả đều là Bè Nạn:
         " Thuở ấy ...
            Mỗi người mỗi ngả
            Có người ra chiến trường ngã xuống
            Có người thành vị tướng
            Có người cuốc bẫm, cày sâu
            Có người ...
             Thôi! Có gì đâu
            Bốn mươi năm
            Về đây
            Tất cả đều là BÈ BAN".
       Còn quá nhiều điều muốn nói, muốn viết ra đây. Nhưng thôi! Hãy để cho những trái tim nói với những trái tim, những tấm lòng nói với những tấm lòng. Xin mượn lại hai câu thơ của Bùi Chiểu, một trong những em học sinh lớn tuổi nhất trường ngày đó, giờ đã " con đàn, cháu đống" để kết thúc bài viết này:
          Tên trường Hồng Thái không quên
           Như phù sa sữa mẹ hiền nuôi ta.
     Ngôi trường của một thời để nhớ " Như phù sa sữa mẹ hiền nuôi ta". Thế là đủ phải không các thầy và các em?
                                                           Tác giả: Phùng Ngọc Liên
  Xem thêm các bài viết
>> Chữ Tâm (phần 2)     

No comments:

Post a Comment