2016-04-28

Việc sở hữu một ngôi nhà

     Vậy là cuối cùng tôi đã chính thức sở hữu một ngôi nhà. Điều này rất tuyệt vời. Việc sở hữu một ngôi nhà, cũng tương tự như tôi vừa trở thành vị vua trên diện tích đất đai mà tôi đang sở hữu. Tôi có rất nhiều quyền trên diện tích đó. Vì thế, tôi đang cảm thấy hạnh phúc!


      Đúng ra thì tôi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này từ năm 2013. Nhưng mãi cho đến hôm nay, phần biên giới của tôi với ngôi nhà bên cạnh mới chính thức được xây dựng. Đó là một bức tường bê tông chắc chắn. Giống như một quốc gia cần có đường biên giới và những cửa khẩu hải quan. Tôi chỉ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi mảnh đất của tôi có những đường biên giới rõ ràng và cố định. Cuối cùng thì mong muốn đó của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi đang hạnh phúc vì điều đó. Trên diện tích đất mà tôi đang sở hữu có một căn nhà và một khu vườn nhỏ. Trong vườn, tôi trồng nhiều loài cây ăn quả mà tôi thích. Tôi trồng một vài loài rau xanh mà tôi muốn. Và tôi đã nuôi những con  vào cái ao nhỏ ở cuối vườn do tôi tự đào. Chỗ đó ban đầu ngập nước quanh năm. Tôi đã đào đất ở khu vực ngập nước, biến nó thành một cái ao. Phần đất lấy lên tôi đổ vào phần vườn còn lại. Thế là cả khu vườn của tôi không còn bị ngập nước vào mùa mưa nữa. Tôi có thể trồng mọi loài cây tôi yêu thích vào khu vườn, và nuôi những con cá xinh đẹp vào cái ao nhỏ của tôi. Nơi đây bây giờ chính thức trở thành thiên đường của tôi. Và tôi đang cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó!
      Đối với người Việt Nam, việc sở hữu một căn nhà là vô cùng quan trọng. Tâm lý người Việt Nam rất yêu thích sự tự do, tự chủ, và giàu lòng tự trọng. Với họ, dù là một căn nhà nhỏ, xấu xí, nhưng đó là đất của mình, nhà của mình thì vẫn tốt hơn việc sống trong một ngôi nhà lớn, nhưng là nhà đi thuê. Dù xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt. Dân số tập trung rất đông trong thành phố và những khu đô thị. Những tòa nhà mới mọc lên nhanh chóng. Đất đai ở Hà Nội đắt vào hàng thứ 3 của thế giới, chỉ đứng sau thủ đô Luân Đôn của nước Anh, và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Vì thế, việc sở hữu những ngôi nhà ở đây ngày càng trở nên khó khăn. Với những người lao động và sinh viên ở các tỉnh khác đến Hà Nội, việc sống trong những ngôi nhà đi thuê gần như là một điều đương nhiên. Nhưng những người có tiền, họ luôn cố gắng sở hữu một ngôi nhà, dù là nó rất nhỏ Tâm lý này rất khác biệt với tâm lý của người dân nước Mỹ. Bởi vì ở nước Mỹ, chỉ những người giàu có và thành đạt mới sở hữu những khu bất động sản. Chỉ có 30 % dân số nước Mỹ sở hữu nhà. Nhưng những ngôi nhà, hoặc khu đất họ sở hữu rất lớn. Còn đa phần người dân của nước Mỹ sống trong những căn hộ cho thuê. Ngay cả khi họ kiếm ra nhiều tiền hơn, họ sẽ dọn đến sống ở một căn hộ to lớn và sang trọng hơn. Họ không có ý nghĩ sẽ sở hữu một căn nhà, nếu họ không thực sự giàu. Bởi vì người Mỹ sống rất thực dụng! Cuộc đời mỗi người chỉ có khoảng 100 năm. Họ sống khổ sở để mua nhà để làm gì?  Khi về già, đa phần họ sống trong các viện dưỡng lão! Công việc của họ thay đổi liên tục. Họ đi khắp nơi trên nước Mỹ để làm việc. Một chỗ ở cố định là điều không cần thiết với họ! Tâm lý mua nhà cho đời con, cho đời cháu trong tư duy của người Mỹ rất mờ nhạt. Bởi vì họ nghĩ, tiền bạc là của họ, họ muốn làm gì là quyền của họ. Họ không có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, chăm lo cho các con của mình, khi nó đã 18 tuổi. Những đứa trẻ con ở nước Mỹ cũng được dạy cho tinh thần tự lập từ khi còn rất bé. Họ không sống theo suy nghĩ đời bố mẹ cố gắng chịu vất vả, khổ cực để cho đời con được hưởng sung sướng, hạnh phúc như trong tâm lý của người Việt Nam. Mặt khác, theo suy nghĩ của tôi, tâm lý của người dân nước Mỹ rất vững vàng. Vì thế họ cảm thấy tốt khi sống ở trong một căn nhà đi thuê. Ngay cả khi bị thất nghiệp, họ cũng được chính phủ nuôi bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Còn tâm lý của những người Việt Nam không ổn định. Họ cần một căn nhà để sống và dựa vào khi tuổi già. Họ luôn có suy nghĩ sẽ sống dựa vào con cháu khi tuổi già. Gần như không có một người Việt Nam nào cảm thấy thật sự hạnh phúc khi không sở hữu một căn nhà. Xã hội cũng ít tôn trọng những người không có nhà để ở mà sống bằng nhà đi thuê! Họ muốn sở hữu chúng rồi để lại cho con cháu, để cho chúng đỡ khổ!

                                                           Tác giả: Phạm Thị Hợi
Đọc thêm các bài viết

<< Hãy quan sát một đứa trẻ rồi suy nghĩ

<<  Từ việc khoan cắt bê tông

<< Nhớ con mèo

<< Nghề thợ xây dựng


<< Những đứa trẻ nghèo



No comments:

Post a Comment