2016-06-12

Nhớ thời sinh viên

    Trong mắt nhiều người,sinh viên là một cái gì cao quý lắm! Đặc biệt là trong mắt của những bạn trẻ trong độ tuổi là sinh viên, mà không có điều kiện trở thành sinh viên, việc là một sinh viên là ước mơ và khao khát cháy bỏng trong lòng họ. Không được tiếp tục đi học, mà bắt buộc phải đi làm là một nỗi tiếc nuối lớn nhất trong lòng họ. Thực tế thì thời sinh viên của tôi và những người bạn không diễn ra đẹp như một giấc mơ như chính chúng tôi, và những người khác từng nghĩ.  Cuộc sống của chúng tôi đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, tại nơi đất khách quê người!


       Với những người có gia đình ở tương đối gần như tôi còn đỡ. Bởi vì dù sao chúng tôi vẫn có một chút cảm giác như là đang sống trên quê hương. Khi hết tiền, chúng tôi có thể đi xe ôm, đi xe đạp về nhà xin tiền một cách đơn giản hơn. Còn những người bạn ở những tỉnh khác thì thật khổ. Nhiều bạn đến cả Tết Nguyên Đán cũng không về thăm quê vì tiết kiệm tiền tàu xe! Hàng năm họ chỉ về quê vào dịp nghỉ Hè. Sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, không có người thân, họ phải co mình lại trong những chiếc vỏ ốc để đề phòng rủi ro. Họ đối mặt với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày với nguồn tiền ít ỏi gia đình cho. Tiền đối với sinh viên không bao giờ là đủ! Dù là những bạn sinh viên có con của gia đình giàu có, hay nghèo khó đều phải đối mặt với nguy cơ tài chính lớn của bản thân. Thiếu tiền cũng là nguyên nhân làm nhiều bạn sinh viên sa ngã. Nhiều bạn ăn trộm đồ trong các cửa hàng. Nhiều bạn rơi và vòng tay của những người đàn ông không thật sự yêu thương họ. Nhiều bạn đi bán hàng thuê với đồng lương ít ỏi, và bị coi thường. Nhiều bạn làm gia công cho các nhà máy nhỏ ở quanh khu vực trường học. Công việc này được nhiều bạn sinh viên ưa thích. Bởi vì họ có thể làm việc tại phòng ở của mình, và linh hoạt theo giờ giấc, và cường độ học tập ở trường. Họ làm nhiều công việc thủ công với tiền công rẻ mạt như: vê bông ngoáy tai, khâu giày, thùa khuy áo ... Số phận của họ không bằng một công nhân chuyên nghiệp hạng bét trong các nhà máy, xí nghiệp đó. Đã như vậy, họ còn phải chịu rất nhiều áp lực từ trường học. Các kiến thức cần học, những kỳ thi luôn rất nhiều. Các mối quan hệ như với giáo viên, bạn trai, bạn gái ... của họ đều cần có tiền thì mới tốt đẹp được. Vì thế, trong thời sinh viên của mình, tôi và các bạn tôi đều đói! Chúng tôi đều gầy đét! Những bữa ăn của chúng tôi đôi khi ở dưới mức nghèo khổ. Những lo lắng về tiền bạc, học tập, công việc đôi khi làm bạc cả mái tóc đang ở độ tuổi màu đen của chúng tôi. Chúng tôi luôn sống ở trạng thái lãng mạn và hài hước. Bởi hiện thực cuộc sống của chúng tôi luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng nỗi đau lớn nhất của chúng tôi là bị thất tình. Đôi khi chúng tôi cùng nhau khóc, chúng tôi cùng nhau cố gắng giúp đỡ nhau bước qua nỗi đau này. Cũng dễ hiểu, thời sinh viên là thời tuổi trẻ. Chúng tôi cũng yêu đương, dù nhiều người không muốn yêu. Chúng tôi bị thất tình vì nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do nhiều nhất là tại vì chúng tôi ...  nghèo, và có một tương lai bất định! Nhiều bạn còn là một đối tượng bị lợi dụng vì họ là một đối tượng yếu ớt, và không có ai bảo vệ! Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học. Thay vì việc tung cánh bay trên khắp mọi miền của tổ quốc như sách vở đã nói. Nơi đầu tiên chúng tôi nghĩ đến và thật sự muốn quay về đó là gia đình. Bởi vì chúng tôi đã quá mệt mỏi. Chúng tôi đang cảm thấy rất yếu đuối. Trong khi gia đình đang mong muốn chúng tôi trở thành ông nọ, bà kia sau khi tốt nghiệp. Họ thất vọng về chúng tôi, buộc chúng tôi phải bật dậy như những cái xác lao vào xã hội. Nhiều người đã thành công, họ có vị trí đứng tốt trong xã hội, có một gia đình hạnh phúc. Nhiều người thất bại, họ lại trở về nơi mảnh đất mình đã sinh ra, họ hối tiếc vì đã từng rời xa nó, và họ vẫn sống độc thân!

                                                                 Tác giả: Phạm Thị Hợi
Đọc thêm các bài viết

<< 21 bí quyết giữ sức khỏe của người xưa ( Phần 2 )

<< 21 bí quyết giữ sức khỏe của người xưa ( Phần 3)

<< 21 bí quyết giữ sức khỏe của người xưa ( Phần 4 )

<< Đất nước Mông Cổ



<< Sự thật về người khổng lồ

No comments:

Post a Comment