2014-10-09

Hủ tục làng quê

                     Hồi nhỏ, nó là một đứa bé rất đáng yêu. Béo tròn mũm mĩm và thông minh lanh lợi. Nó nhớ ngày nó được các chị đưa đi học mầm non. Ai cũng thích nó. Họ hỏi bố mẹ nó là ai, và bố nó đâu? Nó nói bố nó đã chết! Mọi người tưởng nó nói hư, có người vả vào miệng nó. Có người vội vã dắt con cháu mình ra xa. Vì họ nghĩ nó nhỏ vậy mà đã mồ côi. Nó rất khó để trở thành người tử tế. Họ đều dặn con cháu mình đừng chơi với nó. Nó còn quá nhỏ để biết mồ côi là gì mà lại đáng sợ đến thế!?
                      Cạnh trường mầm non của nó có một ngôi nhà hai tầng rất đẹp. Vào những năm đầu của thập niên tám mươi, ở ngôi làng nhỏ bé nghèo đói của nó. Một ngôi nhà hai tầng khang trang sạch đẹp, có cửa sổ bằng kính là một điều hiếm hoi, ai cũng ngưỡng mộ.
 Nghe nói người chủ ngôi nhà đã từng đi lao động ở Liên Xô giờ mới về nước. Họ có một cô công chúa nhỏ rất hiền lành, xinh đẹp và đáng yêu. Vì không có bạn chơi, nó hay lủi thủi một mình và nhìn ngắm ngôi nhà. Nó thấy chị công chúa rất xinh đẹp đó có một con búp bê rất to, tóc vàng óng do bố chị đem từ Liên Xô về tặng nhân ngày chị ấy sinh nhật. Khi chị ấy để nằm ngang con búp bê, nó sẽ phát ra tiếng khóc Nga … nga … nga … rất thích thú. Biết nó rất thích con búp bê đó. Nên mỗi lần thấy nó buồn và lủi thủi ở gần đường nghịch đất cát trong giờ ra chơi. Chị ấy đem nó ra, và làm cho búp bê khóc cho nó xem, và nó lại cười khanh khách vì thích thú.
                       Với nó và chị ấy khi đó là sự cách biệt. Chị ấy là cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, lại rất được bố mẹ cưng chiều, mọi người trọng vọng yêu thương. Còn nó, chẳng ai quan tâm, chăm sóc yêu thương hết. Mọi người tránh xa và ghét bỏ nó.
                       Rồi bố chị ấy cũng qua đời trong một tai nạn nghề nghiệp hết sức thương tâm. Hai mẹ con chị ấy lùi lũi sống dựa vào nhau. Chị ấy học trên nó một lớp. Thỉnh thoảng nó cũng gặp chị ở trường. Chị ấy vẫn xinh đẹp, giàu có vì mẹ chị ấy là người buôn bán có tài. Chị ấy cũng học giỏi nữa.
                  Nó vất vả mãi mới vào được đại học. Một lần đi ngang qua con đường của tuổi thơ. Cảnh vật đã đổi thay rất nhiều. Ngôi nhà khang trang đẹp đẽ khi xưa vẫn còn đó, nhưng giờ nó trở nên cũ kỹ và lạc hậu hơn rất nhiều những ngôi nhà tầng lớn mới mọc lên. Nó thấy bên trong căn nhà có tiếng la hét, chửi rủa, gào khóc, rên la thất thanh.
                    Nó dừng lại quan sát, thì một gã thanh niên to khỏe đang hất mạnh mẹ chị Lụa ra ngoài sân, tóc tai cô ấy rũ rượi cố ôm lấy di ảnh của bố chị ấy. Chị Lụa ra sau, nước mắt lưng tròng ôm mấy thứ đồ đạc linh tinh đi ra sân. Gã thanh niên hung dữ kia đang vứt tung đồ đạc của mẹ con chị ra ngoài sân. Mẹ con họ ôm nhau khóc nức nở, họ bảo với nhau rằng, mấy ngày tới họ sẽ ở tạm trong cái bếp tạm ở ngoài sân rồi tính tiếp. Cái bếp đó chỉ được làm sơ sài bằng bốn cái cọc gỗ cây bạch đàn và hai tấm  lợp b- lô –xi –măng. Nhưng gã thanh niên nghe thấy thế, hắn lao ra gỡ hai tấm b-lô-xi-măng ra, quăng xuống đất vỡ tan tành. Gã ta nhất định đuổi người mẹ góa và đứa con côi tội nghiệp ra khỏi nhà. Cô ấy lăn ra khóc gào thảm hại, không kìm được lòng. Nó lao vào: Cô Thông? Cô sao thế ạ? Có chuyện gì xảy ra thế ạ?
                    Thấy có người lạ xuất hiện, gã thanh niên chỉ thẳng tay vào ba người và nói: Cút hết! Gã đóng cửa lại!
                    Bầu trời đang kéo mây đen, sắp có một trận mưa lớn khiến hai mẹ con họ càng thêm lo lắng và rất khổ sở với đống tư trang giữa sân nhà mình.
                    Nó cố gặng hỏi: Sao anh kia lại cướp nhà của cô? Cô đã bán nó? Hay là bị bắt nợ? Có chuyện gì thế cô? Cô nói đi, biết đâu cháu có thể giúp cô?
                    Cô ấy quay ra nhìn nó với vẻ biết ơn nhưng rồi cô buồn bã nói: Cháu thì làm gì giúp được cô?
                      Rồi cô gào khóc gọi tên người chồng đã quá cố của mình: Ối ông Thắng ơi là ông Thắng ơi! … Ông về đây mà xem thằng cháu ruột ông nó đuổi vợ và con của ông ra khỏi nhà trong cơn mưa gió đây này… Ối bà con làng xóm ơi… Có ai giúp mẹ con tôi được không … Ối ông trời ơi … Sao số mẹ con tôi nó khổ thế này …. Ối ông Thắng ơi, nó chiếm mất nhà của tôi thế này, từ nay tôi biết hương khói cho ông ở đâu ….
                      Cô ấy cứ quằn qoại ở sân mà gào khóc, một vài người hàng xóm đến xem. Nó ra hỏi chuyện họ mới biết. Thì ra do cô Thông chồng chết để lại mỗi một đứa con gái. Chồng cô lại là con trưởng. Do chồng chết đã khoảng hai mươi năm nay, gần đây cô Thông có qua lại gần gũi với một người đàn ông góa vợ khác. Dựa vào cớ này, gã thanh niên kia là con trai của em trai chồng cô Thông. Đến đuổi hai mẹ con cô ra khỏi nhà. Anh ta sẽ đến đó thờ cúng tổ tiên và chiếm toàn bộ gia sản. Mặc dù tài sản đó là do chồng cô mua và xây dựng sau khi đi Liên Xô về.
                      Ý định muốn chiếm gia sản nhà cô Thông của gia đình ông em trai chú Thắng đã có từ trước. Nhưng bà nội chị Lụa không đồng ý. Bà bảo tài sản đó do một tay chú Thắng làm ra, không phải của tổ tiên để lại. Đất đai do tôt tiên để lại, bà và chú em trai chú Thắng ở, chú ấy chưa từng tơ hào chút nào. Tài sản đó thuộc về chị Lụa, đứa cháu nội mồ côi đáng thương của bà. Sau khi bà nội chị Lụa mất, gia đình em trai chú Thắng nhiều lần đến nói chuyện đúng sai với hai mẹ con chị ấy. Áp lực quá mức, cám cảnh mẹ góa con côi. Cô Thông từng đồng ý cho em trai chú Thắng một nửa đất đai để làm chỗ cúng bái. Họ muốn giữ lại căn nhà, nơi lưu giữ những kỷ niệm hạnh phúc của gia đình họ. Nhưng gia đình em trai chú Thắng không chịu mà đòi lấy tất.
                     Chị Lụa sau khi học hết lớp mười hai không đi thi đại học. Chị ấy sợ mẹ chị vất vả nuôi chị, và chị cũng không muốn xa mẹ. Gần đây có nhiều gia đình tử tế muốn lấy chị làm con dâu. Nhưng chị chưa đồng ý, chị chỉ muốn được ở bên mẹ. Lợi dụng mẹ chị gần đây có qua lại thân mật với người đàn ông khác. Gia đình chú chị đã khoét sâu vào mâu thuẫn giữa hai mẹ con. Cuối cùng là đến chiếm toàn bộ gia sản và đuổi cả hai mẹ con đi. Thật là tội nghiệp hai mẹ con họ.
                    Ở vào đội tuổi tầm bố mẹ nó, gia đình nào không có con trai, bị mất một nửa gia sản vào tay người cháu trai của chồng là chuyện hết sức bình thường. Nhiều gia đình còn bị mất hết. Con gái, cháu ngoại rơi vào cảnh bơ vơ không có chỗ đi về tụ họp. Nhưng đến tầm tuổi của nó, xã hội đã biến đổi khác. Dù sao thì giữa con trai và con gái cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Cùng có quyền hưởng thừa kế như nhau. Cách cư xử của gã con trai kia thật là quá đáng.
                      Nó vào bảo cô Thông nhờ gia đình và chính quyền giúp sức. Vì theo pháp luật, gã con trai kia không có quyền làm như thế. Gã con trai kia nghe vậy hung dữ lao ra dọa đánh nó khiến nó sợ rúm. Thì ra ai tham gia và giúp đỡ hai mẹ con cô Thông đều bị gã con trai này đe dọa và xúc phạm. Nên hàng xóm láng giềng và họ hàng tỏ ra khá trung lập về vụ việc này. Dù sao cũng là một hủ tục từ ngàn đời nay, không dễ gì thay đổi ở cái làng quê nghèo nàn, lạc hậu này.
                     Cô Thông lại gào lên, ông Thắng ơi là ông Thắng ơi! … Sao ông nỡ bỏ mẹ con tôi mà đi để mẹ con tôi lại khổ đến thế này… Từ nay tôi biết thờ cúng ông ở đâu…
                     Nhìn người phụ nữ nông thôn yếu ớt, chỉ biết rên khóc khi bị xâm hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp mà nước mắt nó ứa ra. Nó đang định ra vỗ về an ủi cô ấy, thì bất ngờ gã trai kia nổi điên. Từ trong nhà gã lôi ra cái giá bàn thờ định đập thẳng vào đầu cô Thông và hét lên: Này thì thờ này … may mà nó kịp lấy lưng che lấy. Chân nó run rẩy, nó quỵ xuống. Nước mắt nó túa ra vì đau, vì sợ và vì thương hai mẹ con người phụ nữ nhân hậu, hiền lành và có phần nhu nhược, ít hiểu biết kia.
                     Lúc này mọi người xông vào can gã thanh niên hung bạo kia ra. May mà cái bệ thờ làm bằng gỗ ép nên nó không bị nguy hiểm.
                    Rồi mọi người đều đồng ý với ý kiến của nó, là đưa mọi việc ra chính quyền. Kết quả là hai mẹ côn cô Thông giữ lại được  toàn bộ tài sản. Gã trai hung dữ kia bị bắt vì tội phá hại tài sản người khác, áp đáo tại gia và hành hung nhưng được hưởng án treo. Do cô Thông – người phụ nữ rất nhân hậu có đơn xin cho.
                    Biết chuyện này nó cũng mừng cho hai mẹ con họ. Nhưng cũng buồn vì đâu đó nơi làng quê nó và nhiều vùng quê  nghèo khó khác. Vẫn còn bao câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra. Nguyên nhân chính là họ đã không có những hiểu biết về pháp luật cần thiết để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
                     Theo quy định của pháp luật thì tài sản gia đình cô Thông được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì chúng được tạo thành trong hôn nhân hợp pháp của cô Thông và Chú Thắng. Chú Thắng qua đời, không để lại di chúc. Theo pháp luật gia sản của gia đình chú Thắng được phân chia như sau:  một nửa tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của cô Thông. Một nửa còn lại sẽ được chia đều cho ba người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: Bà nội chị Lụa, cô Thông và chị Lụa ( ông Nội chị Lụa đã mất rất lâu trước đó). Do trong khoảng mười năm sau khi bố chị Lụa qua đời, chỉ có hai mẹ con chị Lụa sinh sống và quản lý nhà cửa đất đai, nên toàn bộ di sản của bố chị Lụa để lại đều thuộc quyền sở hữu của hai mẹ con chị Lụa.
                     Việc cháu trai chú Thắng đến tranh chấp tài sản với hai mẹ con chị Lụa là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Anh ta thuộc hàng thừa kế thứ hai của chú Thắng, và chỉ được quyền xem xét thừa kế nếu người đã chết không có người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hợp pháp, con đẻ, con nuôi hợp pháp!  
                      Những hủ tục của làng quê, trái với quy định của pháp luật biết đến bao giờ mới hết?Để những người phụ nữ thật sự được hưởng quyền bình đẳng, tự do và hạnh phúc!


                                                          Tác giả: Phạm Thị Hợi


Xem thêm các bài viết



No comments:

Post a Comment