2015-04-06

Có Một Ngôi Trường Như Thế

      Trường cấp II Phạm Hồng Thái ( nay là Trường THCS Thạch Đà, huyện Mê Linh) được thành lập năm 1961. Trường mang tên người thanh niên yêu nước nổi tiếng với tiếng bom Sa Diện đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam và là sự khích lệ, thôi thúc lớp thanh niên có chí hướng đứng lên sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

      Năm học đầu tiên, trường chỉ có 6 lớp và 15 thầy, cô giáo. Phần lớn các thầy còn rất trẻ. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Can mới có 23 tuổi, còn lại đều mới 20, 21 đầy nhiệt huyết khát vọng mang những kiến thức vưà được học tập và rèn luyện trong các trường sư phạm ra truyền đạt cho chúng tôi. Còn chúng tôi - lũ học trò nông thôn thuần chất - thì đã lớn, gần bằng tuổi các thầy, song tình cảm thầy trò thật đầm ấm, chân tình, sâu nặng. Ngót 50 năm đã trôi qua, giờ gặp lại các thầy, tình cảm ấy vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ lại hồi đó, có thể nói chúng tôi học tập trung thực và toàn diện hơn bây giờ. Môn học nào chúng tôi cũng coi trọng như nhau. Không có khái nieemjmoon chính, môn phụ. Hoạt động ngoại khóa và thực hành cũng rất phong phú mặc dù lúc đó cái gì cũng khó khăn, thiếu thốn. Chính vì thế mà tình cảm thầy trò gắn kết chặt chẽ với nhau. Thầy hết lòng vì trò, còn trò cũng học hết mình để đền đáp lại công lao và tình cảm của thầy. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi có một thế hệ sinh thật sự giỏi giang, toàn diện và sau này khi lớn lên khá thành đạt ở tất cả mọi lĩnh vực.
      Những năm đó, chiến trường phía Nam đã rất khốc liệt. Phát huy ý chí cách mạng kiên cường của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái mà trường mang tên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy và trò đều lần lượt lên đường ra trận " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" với tất cả bầu máu nóng của tuổi thanh xuân:
" Cho ta được làm kho mìn nổ
  Đèo Hải Vân  quật ngã quân thù
  Cho ta làm cây chông miệng hố
  Đâm chết bầy giặc bố chiến khu.
       Trong cuộc chiến cam go đó không tránh khỏi sự hy sinh mất mát. Thầy Trần Tạo cùng 18 bạn học sinh đã ngã xuống chiến trường mãi mãi ở tuổi 20. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Can cùng trên 20 học sinh từ khắp các mặt trận khi trở về là thương binh, bệnh binh. Nhiều người đã trở thành sĩ quan trung cấp, cao cấp trong quân đội như Đại tá Nguyễn Hữu Na, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, Đại tá Trần Thanh Thuẫn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trung tâm huấn luyện sĩ quan biên phòng ... Đặc biệt Anh hùng LLVT, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên  Bộ Chính trị, Đại biểu quốc hội, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng bộ Quốc phòng cũng trưởng thành từ mái trường Phạm Hồng Thái thân yêu này. Bên cạnh những người trưởng thành trong LLVT là hàng trăm cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, thành đạt ở nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp ... Nhiều người đã và đang đảm nhiệm những trọng trách trong ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương như Phùng Viết Điều, kỹ sư lâm nghiệp, hiện là Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ; Hoàng Văn Chức, nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh; Nguyễn Khắc Mậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cơ giới và xây dựng cầu Thăng Long; Phạm Kính, kỹ sư, Trưởng khoa thiết bị dụng cụ y tế Bệnh viện Mắt Trung ương; Lê Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty cầu đường 11 ... Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc doanh nghiệp Toàn Thắng, giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2005; Phùng Viết Tân, Phùng Đình Đạt, Phùng Quang Hùng, Nguyễn Hữu Sơn và nhiều doanh nhân khác đã trở thành những tỷ phú trong thời kỳ đổi mới ... Nhiều họ sinh trở thành giảng viên các trường đại học, các nhà quản lý và giáo viên các trường THPT và THCS ...
       Giờ đây chúng tôi đã thành ông thành bà. Chúng tôi có thể tự hào nói với con cháu rằng trên mảnh đất Thạch Đà thân yêu này đã có một ngôi trường như thế. Các thế hệ thầy và trò hiện nay dưới sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, của Đảng ủy và UBND xã vẫn đang giữ vững và phát huy những thành quả mà Trường cấp II Phạm Hồng Thái đã đặt nền móng. Trường cũng đã chuyển về địa điểm cũ với diện tích 11.000 m2, 18 phòng học, 2 phòng học bộ môn, 4 phòng học chức năng. Đội ngũ thầy và trò cũng đông đảo và trưởng thành hơn xưa: 53 thầy, cô giáo ( trong đó có 38% có trình độ đại học), 892 học sinh. 8 năm liền là trường tiên tiến. Hai năm gần đây là trường tiên tiến xuất sắc. Các tổ KHXH và KHTN liên tục là tập thể lao động tiên tiến và tiên tiến suất sắc. Nhiều thầy, cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng đạt được những thành tích xuất sắc: 95 giải học sinh giỏi cấp huyện, 5 học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, học sinh Nguyễn Thị Thùy Dương được tuyển chọn vào trường Chuyên Vĩnh Phúc, năm học 2001 - 2002, khi đang học lớp 11, dự thi Olympic Quốc tế môn Sinh học tại Latvia được tặng Bằng khen. Năm học sau tiếp tục dự thi Belorutxia, đã giành Huy chương Đồng. Dương Thị Thúy Hằng đang là sinh viên lớp cử nhân tài năng trẻ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ... Thầy Kiều Bằng, Chiến sĩ thi đua 5 năm liền, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: " Năm học 2006 - 2007, trường có hai việc lớn: Một, phấn đấu để cuối năm được công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Hai. đây là năm học đầu tiên thực hiện cuộc vận động " Hai không" trong nghành giáo dục. Thầy  và trò quyết tâm xây dựng một môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh. Nhưng không phải là sự " điều chỉnh" chất lượng bằng hình thức hạ tỷ lệ học sinh khá, giỏi mà là bằng sự phấn đấu: " Thầy dạy tốt, trò học tốt". Thầy coi trò là chủ thể tích cực. Trò coi thầy là người đạo diễn. Thầy và trò đều đặt tính trung thực và lòng tự trọng lên hàng đầu, coi đó là một tài sản vô giá. Phải đi lên bằng nội lực của chính mình, phải hành động chứ không phải chỉ là hô hào với những khẩu hiệu chung chung".
       Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thầy hiệu trưởng và tin tưởng nhà trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mìn một cách bền vững, thực hiện xuất sắc mục tiêu của giáo dục phổ thông giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ  và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp " Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cùng với thế hệ trẻ cả nước vững bước tiến vào thế kỷ XXI, thế kỷ của tri thức và hội nhập.
                                                             Tác giả: Nguyễn Thị Tâm Toán
                                                     Nguyên giảng viên ngoại ngữ trường ĐHTL - Hà Nội

Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment