2016-03-13

Ngày Tết Nguyên Đán

      Mùa Xuân đã sắp đến rồi. Những người bán dạo cây cảnh đang vội vã chuẩn bị cho một mùa vụ kinh doanh mới. Lòng người cũng trở lên vui mừng, lạc quan hơn. Họ cùng nhau nhìn lại cả một chặng đường đã qua của một năm cũ. Rồi lại cùng nhau ước mơ cho một năm mới tốt đẹp và có nhiều may mắn.

      Trên đất nước của tôi, ngày Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nó tương tự như ngày Noel của các quốc gia theo đạo Thiên Chúa Giáo. Vào ngày Tết Nguyên Đán, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều khao khát và mong muốn được trở về quê hương. Dù họ làm ăn ở thành phố hay đang sống trên một đất nước khác. Thì vào những ngày Tết Nguyên Đán, tâm hồn của họ luôn hướng về gia đình, quê hương, và tổ tiên, nguồn gốc của mình. Những người già và trẻ nhỏ trong dịp Tết thường được những người khác biếu quà. Với trẻ nhỏ thì họ thường cho nó tiền hay bánh kẹo với lời chúc nó mau lớn, mạnh khỏe và thành đạt trong cuộc sống. Với người già họ thường biếu tặng tiền và quà tặng tùy theo sở thích, và điều kiện kinh tế với mong muốn cầu chúc cho họ có sức khỏe và sống lâu!
       Trong gia đình những người dân Việt Nam luôn đầy ắp thức ăn. Có rất nhiều món ăn được người dân thông thường chỉ chế biến vào ngày Tết. Đó là những món ăn truyền thống như miến lòng gà, thịt gà luộc, thịt đông, bánh chưng,... Một bàn tiệc trong ngày Tết Nguyên Đán thường có rất nhiều món ăn gọi là cỗ Tết. Vào ngày Tết Nguyên Đán dù là một gia đình nghèo vẫn cố sắm cho gia đình mình một mâm cỗ Tết sang trọng. Họ làm như vậy không phải vì sĩ diện, mà với mong muốn cầu ước cho cả một năm mới có cuộc sống giàu sang, no đủ. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều bày lên bàn tưởng niệm tổ tiên một bàn tiệc sang trọng, rồi thắp hương mời tổ tiên về thưởng thức, sau đó đem xuống cho con cháu ăn. Trên bàn tưởng niệm tổ tiên trong mỗi gia đình luôn được thắp hương liên tục trong 3 ngày Tết. Ở giữa bàn thờ là một đĩa to đựng ít nhất 5 loại quả thường gọi là mâm ngũ quả. Mỗi loại quả trên cái đĩa đó thường là tượng trưng cho một lời cầu ước tốt đẹp cho một năm mới. Một điều thú vị nữa trong ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là trong mỗi gia đình vào dịp này thường trưng bày cây xanh, hoa cảnh và không thể thiếu cây quất và cành hoa đào, với lời cầu chúc cho một năm mới gắn kết và giàu có. Vào những ngày đầu năm, người dân thường đến các chùa để cầu may mắn và sự thành công cho cả một năm mới. Đây cũng là dịp để những gia đình hay những nhóm bạn tổ chức nhưng chuyến đi chơi mùa Xuân, hay tổ chức những bữa tiệc gặp mặt. Với người Việt nam, ngày Tết là một ngày lễ trọng đại trong năm. Sự thăm hỏi nhau trong ngày Tết thể hiện mức độ thân mật, và mức độ tôn trọng mối quan hệ đó. Với người Việt Nam, khi còn sống thì quan trọng nhất ngày Tết, khi chết thì quan trọng nhất ngày đã qua đời. Cho nên vào ngày Tết Nguyên Đán, các gia đình thường có phong tục đi chúc Tết người thân, bạn bè và cấp trên!
      Dù đã trải qua 32 lần Tết Nguyên Đán. Nhưng trái tim tôi vẫn luôn đập rộn ràng mỗi khi ngày Tết Nguyên Đán đến, và mùa Xuân lại quay trở về. Vào những dịp này, trong các chợ và siêu thị luôn đầy ắp thực phẩm, hoa tươi, đồ trang trí nhà, và người đi mua sắm. Đôi khi họ đi ra chợ vào dịp sắp đến ngày Tết để xem hàng hóa. Trên các khuân mặt của những người đi chợ vào dịp sắp đến ngày Tết, luôn có một sự bận rộn, háo hức và tươi vui. Nụ cười của họ luôn rất sảng khoái vì đã kết thúc một năm làm việc mệt nhọc, giờ là lúc họ tận hưởng thành quả lao động của mình. Vì thế họ mặc sức vui chơi trong các lễ hội. Và Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới. Các lễ hội đa phần đều được tổ chức vào mùa Xuân Mùa. Xuân cũng là mùa mà người ta hay chọn để tổ chức hôn lễ cho các đôi bạn trẻ nhiều nhất trong năm. Vì thế, ký ức về mùa Xuân, về ngày Tết Nguyên Đán luôn rất đẹp trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

No comments:

Post a Comment