2016-04-20

Tâm lý người Việt Nam

      Người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người miền Bắc rất coi trọng phương tiện giao thông. Việc sở hữu những chiếc ô tô sang trọng, hoặc những chiếc xe máy đắt tiền gần như là ước mơ của tất cả mọi người. Họ đi loại xe gì là thể hiện một phần đẳng cấp của họ. Vì thế nhiều người đã rất cố gắng để có những chiếc xe sang trọng nhất có thể. Nhiều người đi vay nợ để có điều ấy.


        Tâm lý coi trọng phương tiện giao thông, xem phương tiện giao thông là bộ mặt của mình với mọi người, nó thể hiện đẳng cấp, địa vị của mình trong xã hội, có lẽ có từ thời Khổng Tử. Bởi vì thời đó những chiếc xe ngựa là những vật dụng rất quý giá và sang trọng, chỉ tầng lớp quý tộc mới xử dụng. Việc ngồi trong những chiếc xe ngựa cũng tương tự như ngày nay con người ngồi trong những chiếc xe ô tô vậy. Việc coi trọng phương tiện giao thông là biểu hiện của nối suy nghĩ coi trọng hình thức. Về mặt bản chất, phương tiện giao thông chỉ là một phương tiện giúp người ta di chuyển. Tôi không phải là người biết nhiều về các phương tiện giao thông. Tôi cảm thấy việc ngồi trong một chiếc sẽ ô tô có giá 400 triệu, hay 1,5 tỷ Việt Nam đồng, cũng tương tự nhau. Việc di chuyển bằng chiếc xe máy rẻ tiền hay đắt tiền cũng không khác nhau nhiều. Trái lại, tôi thấy những chiếc xe máy đắt tiền ngày càng to lớn và nặng nề hơn. Nó không còn phù hợp với một cô gái yếu đuối như tôi nữa. Có thể tôi có cảm xúc và suy nghĩ như thế vì tôi không phải là người coi trọng những giá trị vật chất bên ngoài. Và vì tôi là một chuyên gia về kinh tế. Tôi cảm thấy rất vô lý khi phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua một chiếc xe sang trọng, đắt tiền chỉ để di chuyển. Nhiều người ngộ nhận những phương tiện giao thông đó là những tài sản quý. Thật ra đó không phải là tài sản, mà là tiêu sản. Bởi vì tài sản là những thứ sẽ tăng dần giá trị theo thời gian, còn tiêu sản thì sẽ bị mất giá đi theo thời gian. Những phương tiện giao thông mà mọi người mua, ngoài việc bị cũ, hỏng do quá trình sử dụng, nó còn ngày càng bị mất giá do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật theo thời gian. Hàng ngày chúng ta còn mất rất nhiều tiền cho chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chúng. Khi chúng ta đem bán chúng thì nó đã bị giảm giá rất nhiều do nó đã trở thành hàng cũ. Đó thật sự là những tiêu sản lớn mà nhiều người ngây thơ nhầm tưởng đó là những tài sản quý. 
      Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đông dân số thứ 13 thế giới. Mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới. Dù đường phố ở Việt Nam ngày càng to lớn. Nhưng những phương tiện vận tải vẫn thường xuyên bị tắc nghẽn do quá nhiều. Mật độ giao thông tính bằng diện tích mặt đường so với phương tiện vận tải của Việt Nam cao nhất thế giới. Bạn đã từng bị tắc đường ở Hà Nội, hay Thành phố Hồ Chí Minh? Những thành phố lớn nhất Việt Nam này, thường xuyên xảy ra tắc đường. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, bực bội, và lo lắng khi bị tắc đường. Bạn sẽ hít khói từ những ống xả của phương tiện giao thông. Bụi bẩn sẽ bám sâu vào bộ quần áo của bạn. Để khắc phục tình trạng này, bạn sẽ mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang. Vì thế, nhiều khi ngay cả người quen biết cũng không thể nhận ra bạn trên đường phố. Tất cả mọi người đều cố gắng đi nhanh hơn, vượt qua một đống những phương tiện giao thông đủ loại trên đường phố. Vì thế, không ai quan tâm xem bạn đi xe gì, giá bao nhiêu tiền. Những chiếc ô tô trên đường phố Việt Nam trở nên rất khó chịu trong mắt nhiều người đi đường. Bởi vì nó quá to lớn, nên tốn nhiều diện tích trên đường phố. Những chủ phương tiện giao thông này ở Hà Nội, cũng không sung sướng và hạnh phúc như người ta vẫn nghĩ. Bởi vì họ là những người rất khó len vào những kẽ hở khi tắc đường để vượt lên. Họ chỉ di chuyển được khi hiện tượng tắc đường được giải quyết hoàn toàn. Những lúc xe của họ bị hết xăng hay chết máy ở giữa đường, thì chiếc xe ô tô đó là nguyên nhân gây ra rất nhiều tai nạn giao thông cho người khác. Bởi vì đường phố Hà Nội hiện nay rất đông phương tiện giao thông. Sự hỗn loạn trong giao thông ở Hà Nội khiến du khách nước ngoài vô cùng sợ hãi. Mọi sự bất thường trên đường phố có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Các bãi đỗ xe cho ô tô, vốn rất ít, nhà ở Hà Nội thường nhỏ hẹp. Nhiều người phải thuê chỗ để ô tô qua đêm rất tốn kém! Vì thế có một chỗ để xe ô tô cũng rất khó khăn. Nếu không có người trông xe thì xe của bạn sẽ bị ăn trộm mất gương chiếu hậu, biển số xe. Có trường hợp xe ô tô còn bị tháo trộm cả 4 bánh xe! Những chiếc xe càng sang trọng, thì lại càng hay bị ăn trộm. Bởi vì giá phụ tùng của nó cao! Vất vả như thế, nhưng đem ô tô đến chỗ làm, bạn chỉ thật sự khẳng định đẳng cấp giàu có của mình với người bảo vệ trông xe. Còn cả ngày bạn phải làm việc trong công sở, nên cũng không ai chú ý bạn đi xe gì, giá bao nhiêu tiền. Vì thế bạn không có nhiều cơ hội để khoe tiền.
       Tóm lại, tâm lý muốn sở hữu một chiếc xe đắt tiền vốn không phải là sai. Nhưng nếu bạn không phải là người thật sự giàu có, thì đừng có cố gắng sở hữu những chiếc xe đắt tiền để làm gì. Xe chỉ là một phương tiện giao thông. Sở hữu một chiếc xe tốt để an toàn khi tham gia giao thông là được rồi. Tâm lý của người Việt Nam hiện nay là “bóc ngắn cắn dài ” ! Điều này có nghĩa là: Chúng ta làm ra 10 đồng thì có xu hướng chi tiêu 12 đến 15 đồng. Ví dụ như một người có 700 triệu để xây nhà. Anh ta sẽ cố gắng xây một cái nhà có giá khoảng 1 tỷ, có khi còn hơn. Số tiền còn thiếu anh ta sẽ đi vay của gia đình, bạn bè, các tổ chức tín dụng. Trong khi ở các nước tiên tiến thì khác. Một người làm ra 10 đồng, họ chỉ có xu hướng chi tiêu hết 5 đồng, số tiền còn lại họ đem gửi tiết kiệm. Họ có 700 triệu để xây nhà, họ sẽ xây một cái nhà có giá khoảng 300 triệu. Có lẽ vì thế mà người Việt Nam vẫn là những người nghèo, còn người dân ở các nước phương tây họ vẫn giàu! Tôi muốn trở thành một người giàu có, vì thế tôi sẽ học theo cách chi tiêu tài chính của những người dân ở các nước phương Tây!

                                                            Tác giả: Phạm Thị Hợi
Đọc thêm các bài viết

<< Để có một mùa hè hạnh phúc

<< Đám cưới mùa Thu

<< Suy nghĩ trong một ngày nắng nóng 40 độ C

<< Lời khuyên khôn ngoan dành cho mọi người




No comments:

Post a Comment