2014-09-01

Người Thạch Đà

                  Nếu định nghĩa quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn. Là nơi ta lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, xóm làng thì tôi chỉ có 1/2 là người dân xã Thạch Đà, Huyện Mê Linh, Hà Nội thôi. Vì khi mẹ tôi mang thai tôi đến tháng thứ bẩy thì đã ra Hà Nội ở nhờ nhà họ hàng để tiện cho việc sinh nở. Những ngày ấy, hôm nào mẹ cũng đi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm để thư giãn và ngắm cảnh. Sau khi tôi chào đời mạnh khỏe tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, các dì và cậu đã ra đón mẹ và tôi về quê. Thế là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là ở nội thành Hà Nội mất rồi. Nhưng nơi tôi đã lớn lên, trưởng thành cùng gia đình, bè bạn, thầy cô tại mảnh đất Thạch Đà yêu quý. Với rất nhiều niềm tự hào mà ai xa quê cũng rất tự hào nói mình quê ở Thạch Đà!
Thậm trí những người dân các xã lân cận, khi đi xa cũng nói dối mình quê ở Thạch Đà để hưởng chút tiếng thơm của làng. Với chuyện đó tôi không thích lắm, vì tuy là họ tuy ngưỡng mộ và mong muốn được là người Thạch Đà thì nói vậy, nhưng họ vô tình đã làm hỏng thương hiệu của người Thạch Đà ở khắp bốn phương rồi! Nhưng dù sao điều đó cũng đọng lại trong tôi một niềm tự hào nho nhỏ về quê hương bản quán của mình!


 Phạm Thị Hợi, người Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội
Phạm Thị Hợi- Người Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội

                Thạch Đà, quê tôi vốn là một trong bốn vùng kinh tế nổi tiếng vùng đồng bằng sông hồng khi xưa đó là: Kẻ chợ - nay là thủ đô Hà Nội, Kẻ Đúm - nay là thị trấn Minh Tân, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Kẻ Đợ - nay là Xã Thạch Đà, huyện Mê Linh Hà Nội và Thị trấn Thổ Tang, huyện  Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng xa gần về tài buôn bán khắp từ nam trí bắc với số lượng khổng lồ của người dân nơi đây. Những vùng đất này vốn nổi tiếng với những người dân tài giỏi, một tay xây dựng cơ đồ. Họ có mặt khắp nơi, góp phần không nhỏ vào việc làm giàu đẹp quê hương và tổ quốc.
                   Thạch Đà quê tôi trước những năm 90 vốn là một làng quê nghèo khó. Hòa cùng cái đói khát của các làng quê vùng lân cận quanh đó. Hòa chung cả nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu của cả đất nước. Lúa thì năng suất thấp, thủy lợi rất hạn chế, sâu bệnh và ngập úng nhiều khi làm bà con nông dân mất trắng cả biết bao công sức lao động. Dân làng tôi lại rất đông, vì nó vốn là trung tâm chính trị của huyện thời Pháp thuộc. Diện tích đất nộng nghiệp chỉ bằng một phần nhỏ các xã lân cận. Thạch Đà đất chật, người đông. Cứ đến dịp giáp hạt, giá thóc gạo tăng cao và nhiều gia đình rơi vào cảnh phải ăn cháo ngô trừ bữa.
                    Nhưng người Thạch Đà không phải là những người chịu nhục. Dù là người có học hay ít học thì trong họ luôn giống nhau một điểm đó là: máu iêng hùng và ý chí làm giàu mãnh diệt. Vì đất nông nghiệp ít, họ đã  tạo ra thêm những nghề phụ như: may mặc, buôn bán, gàn đây thì có thêm việc làm công nhân ở các khu công nghiệp lân cận và nổi tiếng nhất khắp các tỉnh khu vực phía bắc là nghề xây dựng.  Học sinh là nam, khi tốt nghiệp phổ thông mà quê ở Thạch Đà thì có đến 80%  nộp hồ sơ thi vào các trường  có nghành  xây dựng. Họ đa phần thi vào đại học xây dựng, đại học kiến trúc, ... Những cậu biết sức mình học không khá thì sẽ thi vào các trường cao đẳng, trung cấp về xây dựng. Nếu không đi học thì họ lại đi làm thợ xây, và nhận thầu các công trình nhỏ. Con trai ở làng, cứ lớn lên là tự khắc biết xây, biết sửa sang nhà cửa. Gần như người đàn ông nào của làng, dù làm việc trong bất cứ nghành nghề gì cũng đều tự xây và sửa mọi thứ trong nhà của mình! Vì thế dân Thạch Đà đi đâu, chỉ cần nói là người Thạch Đà cũng rất dễ nhận được thầu các công trình xây dựng.
                    Thường thì những người đàn ông trong làng sẽ đi làm thợ xây, và chủ thầu xây dựng lớn nhỏ khắp các tỉnh vùng núi phía bắc như Thái Nguyên,  Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang ... Những người phụ nữ không ở nhà làm nông nghiệp, làm thợ may hay buôn bán thì thường theo chồng đi làm thợ phụ, nấu cơm cho tổ thợ ... để vợ chồng đỡ phải chịu cảnh xa cách nhau.  Dù những cặp vợ chồng xa nhau cả năm trời đằng đẵng. Tết mới gặp nhau mấy ngày rồi lại chia xa. Nhưng những người phụ nữ luôn một lòng thủy chung son sắt. Họ quán xuyến mọi việc trong nhà, chăm sóc, dậy bảo con cái, phụng dưỡng bố mẹ chồng và làm tất cả những công việc nặng nhọc trên đồng ruộng. Đôi khi có những người phụ nữ kém may mắn. Do chồng đi làm xa quanh năm, lại có nhiều tiền bạc lên rơi vào vòng tay của những người phụ nữ khác. Những người này, đa phần họ vẫn cứ lầm lũi làm tất cả các công việc thuộc bổn phận và nghĩa vụ của mình. Họ vẫn thủy chung và đợi chờ đến mòn mỏi người đàn ông của mình có ngày quay trở lại. Và hầu hết các đức ông chồng sau một thời tuổi trẻ nông nổi chinh chiến làm ăn nơi xa, khi đôi chân đã mỏi mệt, con cái đã lớn khôn. Thì họ giao lại việc làm ăn cho con cái, và trở về ở bên người vợ hết mực thủy chung và giàu đức hạnh của mình. Những người phụ nữ của làng luôn là bến đỗ bình yên nhất của chồng. Dù chồng giàu sang phú quý hay thất bại trắng tay. Thì họ luôn hết mực thương yêu và tôn trọng chồng của mình.
                Đàn ông trong làng thông thường đều được thừa kế hết gia sản của bố mẹ để lại. Ngày xưa con gái đi lấy chồng, của lải cho theo chẳng đáng là bao. Nhưng bây giờ do kinh tế phát triển, gia đình nào cũng ít con, những cô gái đi lấy chồng cũng được cho đem theo khá nhiều tiền bạc, tài sản. Đôi khi còn được cả đất đai nhà cửa.

                Dù đi đâu, ở đâu. Dù lên rừng, suống biển hay ở giữ thủ đô ồn ào tấp lập. Dù làm trong đủ các nghành nghề xây dựng, giáo dục, thuế, quân đội, kinh tế, y tế, kinh doanh ... thì người Thạch Đà vẫn luôn phấn đấu vươn lên và rất nhiều người đã lắm những chức vụ quan trọng của các sở ban nghành trong chính quyền. Họ là những bông hoa đẹp, là niềm tự hào của quê hương bản quán. Tiếc rằng, vì họ đa phần đi làm ăn xa, doanh nghiệp của họ đa phần đặt ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang ... nên họ hay mua thêm nhà đất ở đó để tiện cho việc sinh sống và làm ăn, Có nhiều người thành công còn chuyển hẳn cả gia đình lên đó sinh sống. Quê hương vẫn là nguồn cội của họ, nhưng cũng vì thế mà dân Thạch Đà vốn nổi tiếng giàu có của cả một vùng, nhưng sự giàu đẹp và phát triển tại làng chưa tương xứng với điều đó. Có chăng chỉ là vào các dịp tiết. Đường phố dầm dập xe cộ, ô tô. Đi giữa Thạch Đà mà đôi khi tưởng mình đi lạc giữa một con phố sầm uất của Hà Nội.

                                                      Tác giả: Phạm Thị Hợi

No comments:

Post a Comment