2014-10-02

Chuyện ở ký túc xá

                Nó mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thì cũng từng tái giá với dượng nhưng rồi lại bỏ nhau để lại cho nhà nó một gia cảnh tan nát nhiễu nhương. Gia đình nó là một mớ hỗn độn và không còn có một chút cương thường đạo lý gì cả. Nó buồn lắm, với nó gia đình đã trở thành “ địa ngục trần gian” từ rất lâu. Nó chỉ cố gắng học hành thật nhiều. Học để tiến thân trong xã hội. Nó luôn muốn thoát ra khỏi cái hoàn cảnh cơ cực của gia đình. Với nó, nó học để cố gắng trở thành người tốt. Học để xóa đi những thói hư tật xấu nó bị tập nhiễm từ gia đình. Học để sau này có một công ăn việc làm tốt. Học để có nhiều bạn bè tốt và được nhiều người yêu mến và tôn trọng. Học để thực hiện những ước mơ trong lòng nó. Và nó đã học hành vô cùng chăm chỉ, siêng năng và cần cù. Nó càng cố gắng học hành nhiều hơn khi nó thấy mình yếu đuối và mệt mỏi bởi cuộc sống. Khi nó cảm thấy nó thua kém bạn bè. Và nhất là những khi nó buồn. Nó học còn vì sự cân bằng của cơ thể. Vì cơ thể nó rất lệch lạc so với những người khác. Có lẽ là do cuộc sống trước đây của nó đã quá vất vả, khổ nhọc và thiếu thốn. Cộng với tai nạn nhỏ xẩy ra với nó từ khi nó học lớp 7. Khiến nó bị di chứng rất nặng nề. Gây cho nó rất nhiều sự lo lắng và thiệt hại về sức khỏe. Có lẽ vì thế mà nó rất yếu ớt so với bạn bè cùng trang lứa.
                  Ngày còn học trung cấp, nó ở một mình trong căn nhà ở mặt phố của người họ hàng bỏ không. Nó đã cảm nhận thấm thía nỗi buồn của sự cô đơn. Dù ngày đó nó học một cách “điên khùng”. Học để quên đi nỗi buồn của kẻ không bước chân nổi vào trường đại học như nó đã dự định. Học để xây dựng một con người mới, một nhân cách mới trong nó. Học để nó sẽ thi lại một lần nữa để thực hiện giấc mơ vào đại học mà nó còn ấp ủ từ khi còn niên thiếu. Dù nó học nhiều đến như vậy, và điều kiện sống của nó khá tốt . Vào ngày sắp tốt nghiệp trung cấp, nó bỗng giật mình nhận ra sự tiến bộ khá vượt bậc của các cô bạn trong lớp ở ký túc xá. Các cô bạn này rất có dáng vẻ của “ sinh viên”. Họ khá hay ho và duyên dáng. Trong khi những cô bạn nhà gần trường, vẫn ở cùng gia đinh thì trông không khác học sinh phổ thông là bao. Và nó nhớ chị gái nó, sau khi chị ấy trở thành sinh viên, chị ấy rất khác biệt so với trước đó. Ngay cả cách cư xử với gia đình cũng rất khác.
                Nó kết luận, học thầy không tày học bạn. Lứa tuổi thanh niên là độ tuổi sẽ trưởng thành hơn rất nhiều khi sống bên bạn bè. Đó là lứa tuổi của tình bạn và tình yêu. Và sinh viên ở trong ký túc xá, lối sống cá nhân của họ cũng cần phải được tôi rèn cho phù hợp với bạn bè xung quanh. Sự giao tiếp bình thường cũng cần thay đổi để không quá thô mộc. Bạn bè khi ấy cũng giống như là gia đình nhưng lại cần lịch sự. Và để thích nghi sinh viên sẽ cư sử lịch sự, văn hóa ngay trong cuộc sống thường ngày chứ không phải khi có khách, khi cần xã giao hay ở nơi công sở. Đó là thứ nó đang rất cần! Và nó quyết định sẽ ở ký túc xá với bạn bè khi nó đỗ đại học.
                 Dù nó biết điều ấy khá khó khăn với nó. Vì nó cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện thể dục thể thao khá đặc biệt để phù hợp với điều kiện sức khỏe của nó. Nhưng nó rất vui vì sẽ có thêm những người bạn mới. Và sống bên những con người không có cùng huyết thống họ hàng là một điều tất yếu của cuộc sống. Vì khi đi làm, không phải cả ngày mỗi chúng ta đều ngày nào cũng làm việc tám tiếng bên những người không họ hàng và huyết thống? Khi đi lấy chồng, mọi người đều sống và sinh hoạt với những con người không cùng huyết thống? Thật ra trên thế giới không phải đôi vợ chồng nào cũng là những đôi lứa do tạo hóa sinh ra. Và cứ cho vợ chồng yêu nhau nhưng mẹ chồng, cha chồng và anh em nhà chồng họ có yêu thương và đồng cảm gì với ta đâu? Vì thế ta phải cư xử làm sao để cho họ yêu thương và tôn trọng ta thôi. Và những người bạn ở cùng ký túc xá là một bước đệm tuyệt vời cho điều ấy.
                 Ngày nó nhập học nó rất hồ hởi và vô tư như ai. Với nó ngôi trường này khá quen thuộc. Vì nó từng học trung cấp tại chính ngôi trường này. Giờ thì nó đã học đại học tại chức luôn tại đây. Nó học tại đây, nơi đã chứng kiến những thất bại và đau thương nhất của cuộc đời mà nó đã trải qua. Từ những ngày đầu vô cùng non nớt và yếu ớt khi nó bước chân vào trường. Giờ thì nó có vẻ chín chắn và cứng cáp hơn rất nhiều khi đó.
                Nó ở cùng hai cô bạn nhỏ kém tuổi hơn nó. Các bạn thi vào trường với số điểm khá cao, còn nó thì chỉ vừa đủ điểm đỗ trong khi đã cộng tới cả bốn điểm ưu tiên! Thế là các bạn tỏ ra khá coi thường nó. Vì nhiều tuổi mà … ngu! Cộng với lối sống rất chân thành, mộc mạc và đôn hậu, không kiểu cách, hoa hòe hoa sói của nó khiến các bạn cứ chê cười nó. Coi nó chẳng ra gì lắm. Dù nó biết, trong lòng các bạn khá nể trọng vì lượng kiến thức khá khổng lồ mà nó có. Và chẳng gì nó cũng đã có một mảnh bằng trung cấp.  Tuy vậy, họ vẫn đối xử khá cách biệt với nó.
                Lối sống cá nhân của nó khi ấy khá lạnh lùng và rất nguyên tắc cứng nhắc. Hơn nữa nó đã từng bị một người bạn gái khá thân hồi học trung cấp làm cho bị tổn thương sâu sắc. Nó không tin vào tình bạn của những người đồng giới lắm. Vì sớm muộn cũng xẩy ra những đố kỵ và tranh giành bạn trai của nhau. Nhất là hai cô bạn có vẻ rất vô phèng này. Trong mắt nó, hai cô bạn gái này rất giống với Hoa, con bạn đã làm cho nó sống dở chết dở khi còn học trung cấp. Và trong lòng nó cũng không ưa gì hai cô bạn này lắm. Nó vẫn lạnh lùng và khá vô cảm với họ. Nhất là hai cô bạn này quan hệ rất thân thiết, thoải mái với một anh bạn cùng lớp đã có vợ và con. Có lần nó đã góp ý về lối sống đó của họ. Và rốt cuộc là họ càng trở lên thù ghét nó hơn. Nhất là em Na.
               Lâu dần ở ký túc nó cũng học được cách tôn trọng lối sống cá nhân của người khác. Ai xấu, ai tốt thì mặc ai. Nhưng tất cả đều là bạn. Có thể chia sẻ và giúp đỡ hay yêu thương, chăm sóc nhau cái gì thì làm. Nếu không thì mặc kệ nhau thôi. Bởi vì mỗi người một lối sống, một vùng quê, một trình độ và một điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình khác nhau.
                  Điều nó thích thú nhất khi ở ký túc là vào mỗi buổi chiều nó có thể chơi thể thao cùng mọi người ở sân trường. Điều ấy là hết sức cần thiết cho sức khỏe của nó. Khi ấy với nó, vận động là sự sống. Hơn nữa, tính cách nó lúc ấy khá thất thường nên thường không có bạn thân và chơi lâu. Ở ký túc nó sẽ có rất nhiều bạn. Bạn cùng lớp, bạn cùng phòng, bạn cùng khu ký túc xá và bạn cùng chơi thể thao. Nói là bạn cho oai, chứ thực ra nó biết đó chỉ là bè!
                   Nó nhớ, hôm phòng nó đón nhận thêm bốn thành viên mới. Nó đã đợi mấy cô này mãi. Cuối cùng chợt nghĩ ra quán cơm quen thuộc sắp đến giờ đóng cửa. Nó vội chạy ra mua cơm ăn, cũng kịp để lại tin nhắn cho mấy cô đó là đợi nó khoảng bẩy phút. Không ngờ vừa đến lượt lấy cơm. Cô bạn mới chưa quen đã mắng chửi xúc phạm nó khá thận tệ. Với cô ta, nó như một loại râc rưởi phải hết lòng phục dịch không bằng. Chỉ một sự thiệt hại nho nhỏ cũng khiến cô ta muốn ăn gan uống máu nó. Nó buồn lắm. Buồn về cách cư xử của bạn bè với nó nhiều lắm. Không hiểu vì sao họ thân với nhau nhưng mà ghét nó. Có vẻ như họ không coi nó làm bạn. Nhưng mà mặc kệ. Nó cố gắng đối xử với các bạn tốt nhất có thể.
                     Có rất nhiều bức xúc trong phòng xảy ra. Nhiều khi nó thấy rất mệt mỏi và không thể chấp nhận được, vì những bất tiện  trong ăn uống và sinh hoạt khi ở tập thể. Những quan điểm sống đôi khi trái ngược đến mức có vẻ như xúc phạm nhau, cùng tồn tại trong một không gian trật hẹp của phòng ký túc xá. Nhưng mà nó cứ tặc lưỡi mặc kệ trên cơ sở tôn trọng lối sống riêng của mỗi người. Nó chấp nhận bị thiệt hại và thu hẹp cuộc sống nhưng ở mức chấp nhận được. Vì ở tập thể mà, có phải nhà riêng đâu?
                    Nhiều lúc bức xúc lắm, nó hay ra đằng sau ngắm cây bàng, cây phượng xanh mướt. Nó thấy rất được thư giãn khi ngắm cây bàng. Trong ký ức tuổi thơ của nó. Bài văn đầu tiên mà nó  viết là bài văn miêu tả “cây bàng ở sân trường em”. Khi đó nó học lớp ba, và nó nhớ nó đã quan sát rất tỷ mỉ cây bàng ở sân trường của nó để viết văn. Giờ mỗi lần ngắm cây bàng này, nó lại nhớ về tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Và nó lại hết giận các bạn. Dù sao thì họ cùng là sinh viên, cùng ở chung phòng ký túc xá và cũng cùng tầm tuổi nhau mà.
                Có lúc bức xúc quá, nó kiếm cái gì ngon ngon ăn cho xả stress, hoặc nó hay ngồi lỳ ở quán chát đến vài tiếng đồng hồ. Nó hay đọc báo điện tử, tán gẫu và viết email tâm sự với bạn trai. Dù về sau nó mới biết, anh ấy chẳng bao giờ đọc những dòng tin nhắn đầy bức xúc của nó. Có lẽ cuộc sống của anh nơi nước Đức xa xôi đã có quá nhiều bức xúc và cực nhọc lắm rồi. Anh không thể là điểm tựa cho nó nữa.
                 Nó bực mình và khổ sở nhất là thói “ gian vặt” của cô bạn Na cùng phòng. Dù xét đến cùng, thì nó và Na là ở với nhau nhiều nhất. Trong năm năm học đại học nó và Na chỉ không ở cùng nhau có đúng hai kỳ.  Có lẽ tính cách nó và Na đối lập nhau nhất, nhưng ở gần nhau nhiều nhất lên Na giống như cái sợi dây trói, buộc chặt cuộc sống cá nhân của nó lại. Nó rất mệt mỏi và bức xúc về cô bạn này. Không lẽ lại ra ngoài thuê nhà? Ký túc xá giờ còn là nơi rẻ nhất và rất thuận lợi cho việc học hành thi cử nữa.
               Na là con nhà lao động nhưng lúc nào cũng có vẻ như cành cao rỉa lông, cô ta đối xử với nó chẳng ra gì. Nó ghét nhất là thói nói xấu sau lưng rất hèn hạ của Na. Mỗi lần như thế, Na luôn xuyên tạc và biến thái sự việc nhằm bôi nhọ nó. Trong lòng hình như Na thù hận và ghen tỵ với nó lắm. Có cái gì hay ho của nó, thế nào Na cũng rình khi nó hở cơ là đánh cắp. Nó căm ghét nhất là trò gian vặt trên đời. Thế mà lại ở cùng nhau thì biết làm sao? Dù đã đề phòng rất cẩn thận, những đã rất nhiều món đồ của nó bị Na đánh cắp. Bức xúc nhất là cái điện thoại di động vô cùng quý giá của nó. Để có được cái điện thoại ấy nó đã rất khổ sở và cơ cực. Thế mà Na đã đánh cắp nó!
                  Hôm đó cả phòng dọn đồ để về quê. Nó phát hiện ra mất cái điện thoại, nó chắc chắn là Na đã lấy nó. Vì nó cũng khá biết tính của Na. Nhưng Na nhất định không cho nó kiểm tra đồ. Cô ta còn sừng sộ lên với nó. Nó vội chạy ra sân, mượn một cô bé khác cái điện thoại gọi vào số của nó. Điện thoại của nó reo chuông ầm ĩ trong vali của Na. Nó ức đến nghẹn họng, nhưng mà còn ở với nhau dài. Nó chỉ lạnh lùng nói: Na, em lại cầm nhầm đồ của chị rồi. Trước sự chứng kiến của nhiều người, Na buộc phải mở vali trả lại nó cái điện thoại. Nó buồn lắm. Đem đồ về thẳng quê, bạn với cả bè.
                Nó biết nó mất rất nhiều thứ về tay Na nhưng mà không làm sao lấy lại được. Vì dù sao những đồ vật ấy cũng không biết nói như cái điện thoại Na đã lấy.
                Mỗi đợt đóng học phí, nó lo tá hỏa. Chỉ sợ Na chôm chỉa mất thì coi như việc học của nó đi đời nhà ma. Nó thường đem tiền học phí đến trường vào ngày hành chính và lên trường đóng luôn. Một lần vướng vào dịp nghĩ lễ, nó rất lo lắng. Đúng lúc cô giáo cũ hỏi vay tiền nó, nó nhờ cô ấy ngày mai lên đóng học phí trên trường giúp nó, vì phòng nó có Na tính rất gian. Ký túc thì khóa khoáy không tốt lắm. May mà cô ấy thông cảm và cầm hộ nó. Thế là nó yên tâm ngủ, đang thiu thiu ngủ thì nó giật mình thấy Na đang rọc rạch trong hòm đồ của nó. Hộp đựng tiền của nó giờ mở toang trống trơn. May mà giờ nó đã gửi tiền nhờ đóng hộ. Nó thở phào nhẹ nhõm nói: Na em làm gì với thùng đồ của chị thế? Và quay đi, chả biết Na có biết xấu hổ không khi cô ta đã làm những việc tồi tệ như thế với bạn bè?
                  Có lần hai đứa đi mua đồ, Na mắt trước mắt sau xách luôn túi đồ ăn của người ta. May mà cô ta phát hiện kịp thời. Suýt thì cô ta cho Na ăn một cái tát, mặc dù Na đã cãi là bị nhầm? Cô ta cũng chẳng vừa chỉ vào mặt Na: Nhầm, nhầm ăn người như mày ah? Tao đoán ngay khi thấy mày rình túi đồ của tao rồi mà. Chắc sau lần ấy Na cũng biết xấu hổ, cô ta có vẻ thật thà hơn.
                 Vào ngày Na cưới, nó nghĩ dù sao cũng  học cùng nhau năm năm đại học. Dù mới chuyển đến công ty mới, đang cần ghi điểm với giám đốc. Nhất là vị trí kế toán trưởng của nó đang bị cạnh tranh với một đồng nghiệp nam đang rất được lòng ông tổng giám đốc. Nhưng nó vẫn xin nghỉ và vượt đường xá xa xôi cả hơn trăm cây số đến nhà Na dự lễ cưới.
                  Đến nhà Na nó giật mình có cảm giác như đó chính là ngôi nhà của mình vậy. Này đôi dép sandan Bitis mà nó hết sức yêu quý nâng niu đã biến mất không lý do. Này cái đài radio nhỏ mà nó đã khá vất vả tiết kiệm tiền để mua. Cả cái áo thun cổ lọ vô cùng duyên dáng điệu đà mà mẹ đã mua  cho nó mới chỉ kịp mặc một lần. Và cả những chiếc cốc thủy tinh, cốc và ca nhựa của nó, mà nó đã tự tay lựa chọn nâng niu nữa…  Tất cả đều hồn nhiên xuất hiện trong nhà Na như có một phép màu thần thông. Có những món đồ của nó ở trong nhà Na, lúc ấy nó mới nhớ ra rằng mình đã bị mất chúng.
                   Mấy người bạn cùng ở ký túc xá đi cùng nó đang chết lặng tái mặt chờ phản ứng của nó. Họ dễ dàng nhận ra những món đồ quen thuộc mà nó yêu quý đã kêu mất giờ xuất hiện ở nhà Na. Chả biết mấy người bạn ấy có tìm thấy đồ vật gì của họ ở nhà Na không? Vì Na cũng từng nhận sằng đồ của rất nhiều bạn bè trong phòng ký túc xá. Còn nó thì buồn lắm! Nhưng mà là ngày cưới của Na mà. Những thứ đó rất có giá trị khi nó là sinh viên, giờ cũng bình thường thôi. Nó tặc lưỡi thở dài. Thôi, coi như đó là những tặng phẩm đám cưới cho Na mà Na đã lấy từ trước khi cưới và không xin phép nó. Dù thật lòng nó rất tiếc chúng.
                   Nó chợt nhớ cái điện thoại, sau lần bị Na lấy hụt, nó đã rất cẩn thận và cất trong túi. Cả mấy cô bạn này tay chân nhanh nhẹn thò lấy của nó hụt mấy lần trong túi quần. Hôm đó Na đã lấy chai nước lọc uống dở của nó. Và cô ấy có lẽ đã cố ý không xoay chặt nắp chai khi trả lại. Nước đã đổ vào cái điện thoại của nó một lúc lâu, không còn sửa được nữa. Chắc Na đã cố ý làm thế để không ai còn nhớ nhiều đến vụ lấy trộm điện thoại của Na.

                 Buồn! Hôm đó trên đường về nó rất buồn về một tình bạn sinh viên. Có biết bao những nụ cười, sự quan tâm chan chứa. Nhưng cũng đọng lại trong nhau biết bao nỗi đau sâu cay. Dù sao nó cũng sẽ không bao giờ sống cùng Na nữa. Tự nhiên nó cảm thấy, nối sống tập thể đôi khi rất gần với lối sống bầy đàn.

                                                              Tác giả: Phạm Thị Hợi

Xem thêm các bài viết





No comments:

Post a Comment