2016-12-24

Suy nghĩ của người nghèo

  Tôi được biết nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo rất có hiệu quả. Nhờ thế mà cuộc sống của những người nghèo đỡ cơ cực hơn. Xã hội trở lên tốt đẹp hơn. Cũng nhờ những chương trình này mà tôi hiểu biết rõ hơn về những người nghèo trong xã hội. Có một số người nghèo nhờ những chương trình thoát nghèo mà trở thành những người khá giả trong xã hội. Nhưng cũng có những người nghèo vì được hỗ trợ tiền đầu tư sản xuất mà đã nghèo lại càng nghèo thêm. Vấn đề của người nghèo không chỉ ở đồng vốn để sản xuất kinh doanh. Vấn đề của họ chính là ở tư duy kinh tế và con người của chính họ.

     Tôi nhớ có một gia đình người nông dân đông con nên rất nghèo. Nhờ chương trình hỗ trợ vốn hai triệu đồng mà họ đã thuê người đào ao, thả cá tra và cá basa và đã thoát nghèo. Họ tâm sự là khi họ nghèo, vợ chồng họ đã nghĩ ra rất nhiều cách thoát nghèo nhưng không có vốn lên đành bỏ qua, chịu đựng cảnh nghèo. Giờ họ được hỗ trợ vốn nên họ lập tức đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ban đầu vốn ít họ thuê người đào một cái ao nhỏ, mua giống cá hết một triệu thả vào. Sau thời gian nuôi bằng các loại phân hữu cơ tự có, họ bán thu lãi và mở rộng diện tích ao nuôi. Để tiết kiệm tiền, họ tự đào rộng thêm ao, và giữ lại một ít cá thành phẩm để chủ động nguồn cá giống. Nhờ vậy mà lợi nhuận của họ tăng thêm. Thật ra nếu họ nghĩ được như thế từ đầu thì đâu cần nhờ chương trình hỗ trợ vốn mà thoát nghèo. Tôi thấy lạ là hai vợ chồng họ đều khỏe mạnh, ba cậu con trai cũng đã lớn mà không tự đào ao thả cá mà lại đi thuê! Cá giống sản xuất rất đơn giản vì con của họ đã đi làm thuê cho những trại cá lớn trong vùng, vậy mà họ không tự làm ngay từ đầu. Việc này chứng tỏ suy nghĩ của người nghèo là luôn viện ra lý do để không chịu hành động. Tôi còn nhớ có chị phụ nữ nghèo khổ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Điều kiện là chị phải nuôi ít nhất là một năm thì con bò đó mới thuộc về chị. Ai cũng mừng cho chị. Sau một năm chăm sóc, chị đã có thêm một con bê cái. Tôi đang tưởng tượng chả mấy chốc mà chị có một đàn bò khổng lồ, vì thế chị mới được lên truyền hình. Ai ngờ chị ấy tâm sự, sau khi cả hai con bò chính thức thuộc sở hữu của gia đình chị. Vợ chồng bàn nhau bán cả bò mẹ lẫn bò con để sửa lại nhà và lo cho con cái ăn học. Các phóng viên đến quay cảnh ngôi nhà mới sửa của hai vợ chồng chị. Họ đâu biết rằng nguồn thu thoát nghèo từ đôi bò của gia đình chị cũng chính thức chấm hết. Rồi cuộc sống của vợ chồng chị lại lặp lại quỹ đạo sống ngày xưa mà thôi. Tôi còn biết có gia đình sau khi được hỗ trợ vay vốn hơn mười triệu đồng, anh chồng mua luôn một chiếc xe máy Trung Quốc để tiện đi lại. Số tiền còn lại thì ăn tiêu hết. Đến ngày phải trả lại tiền thì họ không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ. Nhiều gia đình nhận được tiền vay hỗ trợ vốn xong thì tính ngay đến chuyện trốn nợ với nhà nước. Có gia đình được tặng sổ tiết kiệm hàng tháng được nhận mấy trăm nghìn tiền trợ cấp để ổn định cuộc sống. Nhưng khi cần tiền chi tiêu, họ cắm ngay quyển sổ đó cho cơ sở cầm đồ. Vì thế mà cuộc sống của họ vẫn chìm trong khó khăn, vất vả. Nếu họ vẫn giữ những nếp suy nghĩ như vậy thì làm sao thoát khỏi cảnh nghèo. Trong khi nhiều người có tiền vốn sản xuất kinh doanh đã vươn lên trở thành người giàu có trong xã hội.  Tôi nhớ có gia đình hai vợ chồng già bị khánh kiệt vì hai người con trai nghiện ma túy. Một đứa đã chết, một đứa thì đang ở trong trại cai nghiện ma túy. Vợ chồng họ nợ lần nhiều có khi còn phải đi trốn nợ. Nhờ chương trình vay vốn hỗ trợ gia đình nghèo. Vợ chồng họ mạnh dạn vay vốn rồi mua hai con lợn cái con để nuôi lớn thành lợn nái sinh sản. Hàng ngày hai vợ chồng gia chia nhau ra đi khắp các đường làng và cánh đồng để tìm hái các loại rau, lá, cỏ dại cho lợn ăn. Sau một thời gian, hai con lợn nhỏ đã trở thành lợn trưởng thành và sinh ra hai mươi con lợn con. Sau khi bán lứa lợn con đầu tiên, vợ chồng họ đã thừa đủ tiền trả lại ngân hàng chính sách xã hội. Họ cũng dành một ít trả nợ bà con họ hàng. Số còn lại họ chi tiêu và tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Thay vì nuôi hai con lợn nái ban đầu, giờ vợ chồng họ nuôi bốn con. Tận dụng nguồn chất thải của lợn, vợ chồng họ đào ao thả cá. Tận dụng những khoảng đất nhỏ quanh nhà, vợ chồng họ trồng rau để ăn, để nuôi lợn, và cả để bán. Nhờ có nguồn đạm hữu cơ đầy đủ, rau của ông bà luôn rất tươi non. Từ một gia đình nghèo khổ, nợ nần trồng chất khi được cho vay vốn ai cũng nghĩ cho gia đình ấy vay là mất. Đến bây giờ họ đã trở thành gia đình giàu có nhất thôn. Khi được hỏi họ chỉ nở nụ cười hồn hậu mà nói rằng: Gia đình họ trước đây giàu nhất thôn. Không may là cả hai người con đều mắc nghiện đẩy gia đình vào cảnh túng thiếu, nghèo khổ không có vốn để sản xuất kinh doanh. Bà con họ hàng họ ai vay được họ đều đã vay, nhiều người còn chưa trả được nên không ai cho vay nữa. Nhờ nhận được vốn vay hỗ trợ mà họ đã phục hồi được sản xuất kinh doanh lại trở thành người giàu có như xưa. Khi suy nghĩ về họ tôi nghĩ họ thoát nghèo bởi vì họ không có lối tư duy của người nghèo!

                                         Tác giả: Phạm Thị Hợi

Đọc thêm các bài viết  

 

No comments:

Post a Comment