2015-01-04

Bác Tôi



              Bác tôi năm nay đã chín mươi tuổi. Nhưng da dẻ bác vẫn hồng hào. Thỉnh thoảng bác vẫn đạp xe đạp tới ba cây số sang làng bên mua hàng. Trông bác vẫn còn phong độ lắm. Dù mái tóc bác đã bạc trắng như cước từ khi tôi còn thơ bé. Có lẽ bí quyết giữ sức khỏe và tuổi thọ của bác là yêu lý tưởng cộng sản, sống vì dân vì nước!
              Vốn là con cháu của một gia tộc là đại địa chủ của làng. Ruộng đồng của dòng họ nhà tôi rộng thẳng cánh cò bay.
Sống trong nhung lụa bạc vàng, nhưng bác tôi luôn cảm thương xót xa cho những cảnh đời khốn khó, éo le. Gia đình nhà bác nổi tiếng giàu có và nhân đức. Những gia đình khốn khó đến nhà bác cầm cố ruộng đất, trâu bò. Gia đình bác tuyệt nhiên không vì họ đang cùng khốn mà ép giá. Có khi gia đình bác còn cho thêm họ. Tiếng lành đồn xa, tài sản nhà bác mua lại được ngày càng nhiều, chúng sinh ra nhiều tiền, những người khốn khó lại được gia đình bác giúp đỡ nhiều hơn. Thấy giúp  họ mãi cũng không xuể, không phục chính quyền phong kiến tay sai của thực dân Pháp. Bác tôi từ bỏ cuộc sống trong nhung lụa đi theo tiếng gọi của đảng và bác Hồ. Trong quân đội, vì được ăn học đàng hoàng, bác đã trở thành một bác sỹ quân y, cứu giúp được rất nhiều người. Lực lượng cách mạng thiếu tiền, thiếu gạo. Bác trốn về nhà lấy đi hàng đấu vàng để ủng hộ cách mạng là chuyện bình thường.
             Hòa bình lập lại, bác tôi trở thành cán bộ lão thành cách mạng, huân chương đầy ngực áo trở về thăm quê. Nhưng thật buồn cho bác, tại quê hương bác, những người nông dân khốn khó nơi đây đã không làm theo chủ chương của đảng và nhà nước. Họ kéo đến đập phá, cướp bóc, đánh đập, bắt đi tù những gia đình giàu có trong làng. Họ chà đạp xúc phạm họ. Cả họ Phạm nhà tôi đều bị bắt đi tù, mãi rồi mới được thả ra. Ruộng đất và tài sản đều bị cướp bóc hết. Ông nội tôi không may mắn đã bị chết trong tù. Bố của bác cũng bị đi tù vì tội ... giàu có! Bác tôi buồn lắm. Nhưng không vì thế bác không tin yêu lý tưởng của đảng và bác Hồ. Bác vẫn cống hiến hết tài năng và sức lực cho lý tưởng cộng sản. Khi nghỉ hưu, với quân hàm trung tá. Lương hưu của bác cao ngất so với mức thu nhập của những người nghèo khổ. Lẽ ra bác có thể vui thú điền viên bên con cháu. Nhưng bác tôi vốn bản tính lương thiện, thích giúp đỡ người. Bác không đành lòng trước cảnh đói khổ của nhân dân. Dù gia sản nhà bác giờ cũng chẳng đáng là bao. Bác vẫn tiết kiệm những đồng lương ít ỏi ấy để mua thuốc, trang thiết bị y tế để chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo trong làng.
            Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân nghèo khốn khó khắp nơi kéo đến. Bác tôi vất vả lắm, nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Với bác, làm được việc gì có ích cho đời là bác tôi rất vui rồi.
            Các con bác nhìn vậy xót xa lắm. Thấy bác tuổi đã cao mà phải chăm sóc, nâng đỡ ...cho những người nghèo khó, rách rưới mà không lấy một đồng xu nào. Nhiều khi các anh tôi đứng chặn hai đầu đường để đuổi hết bệnh nhân đi. Nhưng nhưng con người khốn khó, bệnh tật ấy biết đi đâu để cầu mong sự sống? Họ chỉ biết ngồi đó mà khóc, hay nằm chờ chết. Cuối cùng thì các anh tôi cũng xót thương rơi nước mắt cho cảnh ngộ của họ. Hơn nữa, không có bệnh nhân bác tôi lại buồn. Chả có việc gì làm lại sinh nghĩ ngợi lung tung. Thế là các anh tôi đành để cho bệnh nhân đến nhà để bác tôi chữa trị. Nhưng khi thấy bệnh nhân nhiều, các anh tôi thường đuổi bớt cả sợ bác tôi mệt. Bệnh nhân nhẹ và không thật nghèo cũng bị đuổi bớt. Những khi rảnh rồi, các anh tôi và mấy đứa cháu lại sang căn nhà cổ ngày xưa của gia đình, nơi bác đã biến thành chiếc bệnh viện từ thiện mi li, giúp bác chăm sóc, bệnh nhân.
             Bác tôi tuổi ngày càng cao, sức yếu đi nhiều. Cháu nội bác học đại học y chưa xin được việc làm đã dọn sang ở luôn với bác để chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Anh tôi cũng là một giám đốc bệnh viện quân y của tỉnh. Học vị cũng là tiến sĩ. Các giải thưởng, danh hiệu cao quý của nghành y mà anh có nhiều không kể hết. Mỗi lần về quê, anh thường ghé qua nhà thăm bác, phổ biến thêm cho bác những phương pháp chữa bệnh mới. Tranh thủ giúp bác chữa trị bệnh nhân và biếu bác ít thuốc men. Thường chỉ là kháng sinh và những loại thuốc rẻ tiền. Anh luôn lấy cớ đó là do bệnh viện thừa anh đem về biếu bác. Chứ thực ra là do anh mua về tặng bác. Ở bệnh viện nơi anh công tác, anh cũng thường lấy tiền túi ra trả viện phí cho những bệnh nhân quá nghèo. Anh cũng ước mong, sau này về hưu cũng mở một phòng khám tư nhân. Với những bệnh nhân quá nghèo anh sẽ chữa bệnh miễn phí cho họ. Chứ không phải bỏ tiền từ đồng lương ít ỏi công chức ra chữa trị cho họ như hiện nay.  Mỗi lần anh tôi đến chơi, bác tôi vui lắm.
              Một lần nhân dịp năm mới tôi đến thăm bác. Hai bác cháu đang chuyện trò rôm rả. Tôi vốn rất yêu kính bác. Còn bác thì rất vui vì cô cháu gái đang rất cố gắng học hành thành đạt của mình. Bỗng tôi cứ thấy tiếng rên rỉ trong phòng, theo phản xạ tôi chạy ngó lung tung tưởng ai trong nhà bị làm sao. Thì đập vào mắt tôi mấy bệnh nhân nghèo, rách rưới đến mức không thể rách hơn. Họ đang rên rỉ, run rẩy, mếu máo với những vết thương đang rỉ máu. Bác tôi lại cuống cuồng đắp thuốc và băng bó vết thương cho họ. Hỏi ra mới biết, mấy bệnh nhân này nặng quá, ngày tết họ cũng vẫn ở nhà bác để được bác chữa trị. Một tiếng chuông vang lên, anh tôi từ nhà dưới tất tả chân thấp chân cao chạy lên. Hóa ra bác cần anh tôi lên để giúp bác bế bệnh nhân chuyển sang giường khác. Chuyện như thế này là bình thường.  Lâu rồi, mọi người trong nhà không ai còn cằn nhằn vì công việc từ thiện của bác nữa. Dù vậy anh tôi vẫn lầu bầu trong bụng không vui vì đến ngày tết bác cũng vẫn không nghỉ ngơi vui cùng con cháu. Bác tôi chỉ cười, bác tôi cũng vẫn thương con, quý cháu lắm. Nhưng bác không thể giương mắt đứng nhìn những bệnh nhân đang sống dở, chết dở vì bệnh tật, ốm đau.
            Tôi thật sự cảm phục tấm lòng nhân hậu, ý thức trách nhiệm và tình yêu tổ quốc trong bác. Lòng bao dung, nhân hậu của bác thật sự là một tấm gương sáng ở đời. Mỗi lần tiếp xúc với bác, tôi rất tự hào vì mình là cháu bác. Bác tôi thật tuyệt vời. Lý tưởng làm phúc giúp đời của bác thật là cao cả. Tôi luôn tự hào về dòng họ nhà mình! Dù cùng với lịch sử, dòng họ nhà tôi cũng có bước thăng trầm.
                                                                Tác giả: Phạm Thị Hợi
                                                                        

Xem thêm các bài viết


>> Kỷ Niệm Ấu Thơ

>>Tình Bạn Như Trái Táo

>>Trung Thu Đáng Nhớ

>>Sự Tích Chợ Đợ, Thạch Đà

>> Sự Tích Chùa Bụt Mọc ở Thạch Đà

>> Danh sách web rao vặt 2015

>>Chó Là Loài Động Vật Đến Từ Thiên Đường

>> Góc Nhìn Với Cuộc Sống

>>Cảm Nghĩ Khi Xem Phim " Bỗng Dưng Muốn Khóc"

>>Chiêu Mộ Nhân Tài

>>Cảm Nghĩ Về Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh

>>Hệ Điều Hành Adroid

>> Chào Năm 2015
>>Chuyện Tình Sinh Viên Ngành Kinh Tế

No comments:

Post a Comment