2015-03-28

Một Thời Để Nhớ

   LỜI GIỚI THIỆU
  Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cổ Thạch Đà giàu truyền thống yêu nước; nơi " Đô kỳ đóng cõi Mê Linh" của Hai Bà Trưng; nơi có đền thờ Tam vị Nữ Đẳng Thần có công phò giúp Hai Bà đánh đuổi giặc Tô Định nhà Đông Hán ở thế kỷ thứ I; nơi có đình thờ Thành Hoàng Tướng quân Chu Đài dấy binh đánh giặc Ngô thế kỷ thứ III; nơi có Dũng sĩ  Quyết thắng trên đồi Không Tên, Anh hùng LLVTND, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng QĐNDVN Phùng Quang Thanh ...;
những tấm gương đó đã có ảnh hưởng lớn đến ước mơ và chí hướng của vị tướng mang quân hàm xanh: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế ngôi trường mang tên Phạm Hồng Thái, người thanh niên yêu nước nổi tiếng với " Tiếng bom sa Diện", làm chấn động dư luận và " thức tỉnh hồn nước" trong các tầng lớp thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ XX.
     Xin trân trọng giới thiệu quãng thời gian đầu đời quân ngũ đầy gian khổ và thử thách nhưng cũng không kém phần lãng mạn của ông ở vùng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc trong những năm 80 của thế kỷ trước.

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
      Năm 1982, tốt nghiệp Đại học Công an Vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), tôi được cấp trên điều giữ chức Đồn phó quân sự Đồn Biên phòng 314 - Mường Nhé, Mường Tè, Lai Châu. 5 năm học tập, rèn luyện trong môi trường lực lượng vũ trang, tôi hiểu những vất vả gian khổ và cả những hiểm nguy mà người lính công an vũ trang sẽ gặp phải. Nhưng tuổi trẻ vốn lãng mạn, thích phiêu lưu, kể cả đi bộ vòng quanh thế giới, đâu Tổ quốc cần là đến. Sức vóc thế này lại có đồng bào, đồng chí. Sá gì! Thế là từ biệt gia đình, quê hương lên đường đi Tây Bắc trong sự háo hức của tuổi trẻ.
       " Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh". Câu ca dao thuở nào học trong môn Địa lý lại vang lên như mời gọi, như thách thức ...
       Hơn nửa tháng trời độc hành cùng hỏa xa Phúc Yên đi Phố Lu, cùng ô tô Phố Lu đi Lai Châu, cuối cùng thì hành quân bộ trèo đèo, lội suối gần chục ngày từ thị xã Lai Châu đến Đồn Biên phòng 314. Cuộc hành trình đầu đời quân ngũ vượt hơn 800km lên nơi đóng quân: Đồn Biên phòng 314 Mường Nhé - Mường Tè - Lai Châu - vùng cực Tây của Tổ quốc. Nhìn lại chặng đường thử thách đầu tiên lòng thấy tự hào, không hổ thẹn với lớp cha anh " ... ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy từng mây gió táp mưa to / Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát ... ". Đi ô tô từ Phố Lu đến Lai Châu qua bao núi rừng trùng điệp, đèo cao, vực sâu mới thấy cái ông Bùi Minh Quốc tả đúng quá: " Xe chạy nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng ...". Ngồi trên ô tô thấy rất rõ cái cảm giác xe chạy " nghiêng nghiêng" thật. Cứ như là sắp lật xuống vực sâu.
       Tôi ở Lai Châu từ năm 1982 đến năm 1988, thời gian đó biên giới phía Bắc còn rất khó khăn, ác liệt. Đó là 6 năm với rất nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ, với biết bao ước mơ, khát vọng. Đồn Biên phòng 314 nằm giữa đại ngàn mênh mông. Ở Mường Tè sợ nhất là mùa mưa. Từ tháng 7 đến  tháng 9. Mưa ầm ầm như trút nước. Gió lồng lên, cây cối vặn mình răng rắc. Suối chảy ầm ầm, nước ngầu cuộn đỏ. Mưa dai dẳng qua ngày, qua đêm tưởng như không bao giờ dứt. Theo  đài khí tượng thủy văn, lượng mưa ở Mường Tè vào loại cao nhất nước: trên 3.200 mm. Địa hình, thời tiết ở Mường Tè rất khó khăn, khốc liệt; núi cao, vực sâu, những cánh rừng vắt nhiều như lá, chắc hẳn nhiều người đã từng nghe câu " Mỏ vắt Quang Lâm, nắng cháy đồi A Pa Chải". Những chiều đông tê tái, những lòng khe lạnh buốt hay những trưa hè gay gắt trên đồi gianh cháy rụi với những trận gió Lào khô ráp hoặc những trận sốt rét rừng xanh da, vàng mắt không ai là không trải qua. Khó khăn là vậy, thế mà những người lính biên phòng chúng tôi với bộ quân phục xanh màu lá, khẩu súng trong tay, chiếc ba lô thân thuộc cùng với tấm lòng trai trẻ hướng về biên giói vẫn ngày đêm tuần tra bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Cũng chính những lúc khó khăn, gian khổ ấy mới thầy tình đồng chí, đồng đội thật sâu nặng, bền chặt, gắn bó, keo sơn; mới thấy hết lòng thương yêu nhau như anh em ruột thịt trong nhà.
        Mường Tè có nhiều dân tộc: Người Mông, người Thái, người Hà Nhì, người La Hủ ... Bà con dân tộc sống rất chân tình và rất yêu quý các anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính những năm tháng ấy, tôi mới thấy hết ý nghĩa câu " Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Các bà mẹ coi chúng tôi như con trong nhà, còn các em gái thì rất " mến yêu" các chú bộ đội.
       Ở Mường Tè, vui nhất là vào mùa xuân. Mùa Tết. Ngoài Tết Nguyên đán - cái Tết chung của cả nước, mỗi dân tộc  lại có một cái Tết của riêng mình. Những ngày Tết của đồng bào Thái Tây Bắc thật vui. Cứ tối đến là tiếng trống hội xòe lại giục giã, những người con gái Thái 18 - 20 váy lụa, áo cóm lại cùng những người lính trẻ xoắn xuýt quanh vòng xòe.  Hội xòe suốt từ đêm giao thừa tới 15 tháng giêng mới kết thúc. Những đêm như thế lòng tôi lại xốn xang nhớ quê, nhớ làng, nhớ gia đình ... Nhớ hội làng vào ngày mồng Mười tháng Tám Âm lịch. Nhớ đám rước kiệu đông vui ... Những lúc như thế, giữa đông vui nhộn nhịp của ngày hội trong lòng như có một khoảng trống mênh mông rất khó tả ...
     Tây Bắc đẹp nhất là vào mùa xuân. Khí hậu mát mẻ  trong lành. Tháng Ba hoa ban nở trắng rừng . Bạt ngàn là hoa ban. Đẹp vô cùng. Hoa ban trắng tinh khôi, kéo dài thành một vệt rừng rộng mênh mông, dài bất tận. Tôi thường đứng ngây ngất ngắm nhìn những rừng hoa ban thanh khiết, trắng ngần bỗng đột ngột xuất hiện một cây hoa gạo giữa thảm lụa trắng, mềm mại của hoa ban, đẹp đến mê hồn. Ngắm hoa gạo giữa đại ngàn, lại nhớ hai caaygaoj cổ thụ quê nhà trên triền đê cạnh Đền Bà ngay đầu thôn 4 của tôi. Hai cây gạo làng tôi thật hùng vĩ. Nghe nói tuổi đời có đến bốn, năm trăm năm. Tôi chưa thấy hai cây gạo nào đẹp hơn. Có vẻ ích kỷ quá chăng? Hay vì quá yêu quê hương mà nói liều như vậy! Nhưng nó đẹp và hùng vĩ thật. Đứng dưới gốc tôi phải ngửa đến gãy cổ mới nhìn thấy ngọn. Ở trên đó rất nhiều sáo lang, sáo nâu về làm tổ. Còn ở xa, nhiều người bảo, cứ qua đò Chèm, lên đê là đã trông thấy ngọn cây gạo làng mình. Ai là khách lạ, hỏi thăm làng Đợ, người chỉ đường bảo cứ thẳng đường này nhìn lên trời thấy hai cây gạo thì đó là Đợ, không phải hỏi thăm gì nữa. Tháng Ba về, hoa gạo đỏ cả vùng trời. Những bông gạo năm cánh, đỏ tươi hướng lên trời cao. Người ta bảo trai gái yêu nhau có hoa gạo chứng giám thì hạnh phúc bền vững. Tôi không biết có đúng không nhưng lũ trẻ con chúng tôi nhặt hoa gạo xếp thành chữ, thành hình trái tim ... chơi đùa, la hét cùng lũ sáo đen, sáo nâu ... thì thật là hạnh phúc. Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi là những năm tháng chiến tranh ác liệt, thật dữ dội và cũng thật nhiều kỷ niệm. Bây giờ, mỗi lần về quê không còn được thấy hai " Cụ" gạo một thời như là một biểu tượng của làng, lòng tôi lại thấy nao nao, trống vắng. Những lúc như thế, mấy câu thơ của thầy giáo tôi lại vang lên: " Cụ" gaoh không còn nữa/ Chắc là bay về trời/ Bên Đền cây gạo "trẻ"/ Lại đỏ trời tháng Ba" như một lời nhắn nhue " tre già thì măng mọc" khiến tôi thấy ấm lòng trở lại.
        Hơn 30 năm trong quân ngũ. Tôi chỉ ở Lai Châu 6 năm. Nhưng đó là 6 năm đầy ắp kỷ niệm. Kỷ niệm êm đềm và vui nhất là tôi gặp được một nửa của mình. Tôi đã gặp đôi " mắt đen hạt nhãn cười tinh nghịch" ấy ở Lai Châu. Như các cụ nói : ấy là duyên số. Tôi không biết có hoa gạo quê tôi và hoa gạo Tây Bắc chứng kiến không nhưng mối tình của chúng tôi thật dài, thật đẹp; khi lên Lai Châu " bà xã' tôi mới học lớp 10, thế rồi gặp nhau, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng thì không niềm vui nào, hạnh phúc nào sánh được. Tôi cảm ơn quê hương Thạch Đà đã sinh ra, đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi cảm ơn Tây Bắc đã nâng bước tôi đi, đã cho tôi tình yêu về  hạnh phúc. Hơn 20 năm sau tôi có dịp trở lại Mường Tè, những bà con người Thái, người Mông, người La Hủ, người Hà Nhì ... lại giang tay đón tôi như đón người thân sau mấy chục năm xa cách.
                                                Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng
                                Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment