Thầy chủ nhiệm lớp tôi năm ấy còn rất trẻ, người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát,tính tình vui vẻ, rất dễ gũi, thân mật, cởi mở với học trò nên lớp tôi rất thích. Những giờ dạy của thầy thật hấp dẫn. Thầy đã thổi hồn vào những câu ca dao, tục ngữ, những áng văn hay, giúp chúng tôi hiểu và yêu tiếng Việt. Qua việc phân tích những cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái xấu trong các tác phẩm văn chương thầy đã mở ra cho chúng tôi con đường hướng tới điều thiện, điều tốt lành ...
Không chỉ dạy hay mà thầy còn " đa tài". Môn thể thao nào thầy cũng biết: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, xà đơn, xà kép ... Nhiều lúc tôi kể chuyện này cho các cháu nghe, nó bảo bà nói " xạo". Từ cái thời "cổ la hy" ấy, trường cấp II nhà quê làm gì có xà đơn, xà kép. Trường cháu bây giờ còn không có nữa là. Ấy vậy mà cái trường nhà quê của tôi có đấy. Xà đơn, xà kép đều bằng tre do các thầy tự tạo. Lúc đầu chỉ có các thầy chơi, sau nhiều anh lớn tuổi cũng tập. Tuy vậy "siêu " nhất vẫn là thầy chủ nhiệm lớp tôi. Lũ chúng tôi rất tự hào vì có thầy chủ nhiệm hết ý.
Những sinh hoạt tập thể và sự cởi mở của thầy khiến cho chúng tôi vừa quý mến thầy. Nhóm bạn thân của tôi có năm đứa: Thêu, Tuyết, Vinh, Hoa và tôi. Bọn tôi bàn nhau tết này sang quê chúc tết thầy và thăm gia đình thầy. Nhưng nếu " lộ" ý định này ra chắc chắn thầy không cho đi vì đường sá xa xôi lại cách sông cách đò. Bằng nhiều cách, bọn chúng tôi biết khá tường tận đường sang nhà thầy. Và, tết năm Nhâm Dần, 1962 ấy, năm đứa chúng tôi xin phép gia đình đi " Tết thầy" nhưng không nói là đi chúc tết thầy tận Sơn Tây, vì nói ra chắc chắn bố mẹ sẽ không đồng ý. Chúng tôi quyết tâm mang đến thầy một niềm vui bất ngờ nhân dịp đầu xuân.
Năm giờ sáng ngày mồng Hai Tết năm đứa chúng tôi lên đường. Năm đứa đầu trần, chân đất cùng mấy gói kẹo vừng mua ở chợ quê, từ Chu Phan qua các xã Tiến Thịnh, Văn Tiến, Nguyệt Đức, Hồng Phương, Liên Châu, Đại Tự, Ngũ Kiên ... cứ thẳng đê sông Hồng mà tiến. Chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò, cười đùa vui vẻ ... Vì là mồng hai tết nên không khí tết suốt dọc đường khiến cho đường xa hóa gần. Chúng tôi thử đoán xem nếu thầy và gia đình thấy năm đứa sang sẽ thế nào nhỉ. Chắc là thầy vừa vui, vừa sợ. Sợ quá đi chứ, hơn bốn chục cây số chứ có ít gì. Gần trưa, đến địa phận xã Phú Đa, chúng tôi hỏi đường ra bến đò Sơn Tây. Là mùa khô nên sông Hồng cũng không rộng lắm. Chúng tôi xuống một chiếc thuyền nan vượt sông sang thị xã Sơn Tây. Lên bến, chúng tôi cứ thẳng phố Cửa Hậu vòng quanh thành Sơn Tây đến phố Cửa Tiền, đi khoảng hơn một cây số thì hỏi thăm vào làng Nghĩa Phủ nhà thầy. Lúc ấy đã quá trưa. Lúc đi đường thì háo hức vậy, giờ đứng ở cổng nhà thầy thì đứa nào cũng ngại. Đùn đẩy nhau mãi, ngấp nghé mãi mà không có đứa nào " dũng cảm" đi đầu. Cuối cùng thì gia đình thầy cũng biết. Cả nhà thầy ra đón năm cô trò nhỏ. Hai cụ thân sinh, bác Toán và các em thầy vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Cụ bà cứ xuýt xoa thăm hỏi chúng tôi đi đường có mỏi không, có mệt không, rồi gọi các em thầy đưa chúng tôi ra giếng rửa mặt mũi, chân tay. Thầy theo chúng tôi ra giếng với vẻ mặt băn khoăn, hỏi thăm chúng tôi làm thế nào mà tìm được nhà? Đi từ lúc mấy giờ? Chúng tôi quên cả mệt mỏi, cười vui, bảo chúng em khỏe để thầy khỏi lo. Rửa chân tay xong chúng tôi vào thì đã thấy mấy em thầy dọn cỗ bàn ra rồi. Hai cụ, bác Toán và Thầy bảo chúng tôi ngồi ăn kẻo đói. Thầy chủ nhiệm ngồi tiếp chúng tôi. Thầy trò vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Thầy hỏi đi có xin phép bố mẹ, gia đình không? Bạn bè có ai biết không? Chúng tôi tíu tít kể cho thầy nghe các chuyện dọc đường, chuyện qua phố xá đông vui vì đang ngày tết ... Một phần vì mệt, phần nữa vì là lần đầu tiên đến nhà thầy nên chúng tôi không khỏi e dè. Thấy vậy, thầy gắp thức ăn và bảo các em ăn đi kẻo đói. Nói vậy nhưng thầy trò ngồi nói chuyện nhiều hơn cả ăn. Khoảng 3h chiều chúng tôi xin phép hai cụ và thầy ra về. Hai cụ không đồng ý vì biết đường về xa lắm. Chúng tôi phải trình bày với hai cụ và thầy là bố mẹ không cho đi chơi qua đêm trong ba ngày tết. Biết không giữ được, bác Toán và thầy lấy xe đạp đưa chúng tôi ra bến đò. Chờ chúng tôi lên bến xong, bác Toán và thầy đứng bên bờ bên kia vẫy tay chào chúng tôi. Chúng tôi vẫy tay chào lại rồi nhanh chóng chạy qua bãi ngô lên đê. Đến đê, không ai bảo ai, tất cả năm đứa đều tăng tốc chạy việt dã ...
Ấy vậy mà gần nửa đêm mới về đến nhà tôi. Mệt vô cùng. Năm đứa không kịp rửa chân tay, mặt mũi, " hai xoa, ba đập" lăn ra giường ngủ một mạch đến sáng.
Mồng Năm Tết. Giờ học đầu tiên. Thầy chủ nhiệm vào lớp. Nhìn một lượt không thấy vắng ai thầy rất vui. Nhìn năm đứa chúng tôi, thoáng một chút lo lắng, rồi thầy vui vẻ chúc tất cả lớp một năm mới mạnh khỏe, học tập tiến bộ.
Mấy hôm sau, chuyện năm đứa con gái chúng tôi vượt mấy chục cây số sang Sơn Tây " Tết Thầy" chủ nhiệm loang ra cả lớp, cả trường. Bọn con trai lớp tôi há mồm bái phục. Chúng trách , thế mà không bảo để chúng tớ cùng đi cho vui và cũng là để bảo vệ ... Bí mật thật đấy?
Hơn 50 năm đã trôi qua, giờ nghĩ lại lòng vẫn thấy vui vì mình đã làm được những điều thầy dạy. Đó là những tình cảm tốt đẹp, hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng của tuổi học trò dành cho thầy cô trong ngày tết, một truyền thống, một phong tục đẹp của dân tộc.
Tác giả: Trần Thị Bích Thậm
Nguyên giáo viên THPT Phúc Yên
Xem thêm các bài viết
>> Tản Mạn Tháng Giêng - Tháng Ăn Chơi
>> Yêu Nhau Ghét Nhau
>> Vụ Kế Hoạch Chặt 6700 Cây Xanh Ở Hà Nội
>> Tìm Anh Trong Giấc Mơ
>> Bà Cụ Đơn Thân
>> Ruộng Cà Chua Của Bà Cụ
>> Làm Giàu Từ Cây Cà Chua
>> Xin Anh Hãy Thứ Tha
>> Tình Yêu Bóng Mây
>> Cô Bé Người Giúp Việc
>> Tình Nghĩa Phu Thê
>> Tình Nghĩa Phu Thê ( Tập 2)
>> Truyền Thuyết Tình Yêu?
>> Cần Thận Trọng Với Chữ Ký Của Bạn
>>Kinh Doanh Đa Cấp
>> Em Chỉ Là Một Cô Gái
>> Sức Khỏe Là Vàng
>> Một Thời Hoa Lửa
>> Nhớ Mái Trường Xưa
>> Vụ Kế Hoạch Chặt 6700 Cây Xanh Ở Hà Nội
>> Tìm Anh Trong Giấc Mơ
>> Bà Cụ Đơn Thân
>> Ruộng Cà Chua Của Bà Cụ
>> Làm Giàu Từ Cây Cà Chua
>> Xin Anh Hãy Thứ Tha
>> Tình Yêu Bóng Mây
>> Cô Bé Người Giúp Việc
>> Tình Nghĩa Phu Thê
>> Tình Nghĩa Phu Thê ( Tập 2)
>> Truyền Thuyết Tình Yêu?
>> Cần Thận Trọng Với Chữ Ký Của Bạn
>>Kinh Doanh Đa Cấp
>> Em Chỉ Là Một Cô Gái
>> Sức Khỏe Là Vàng
>> Một Thời Hoa Lửa
>> Nhớ Mái Trường Xưa
No comments:
Post a Comment