2015-03-31

Đã Lên Xe Là Tiến (phần 1)

        Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông Hồng vừa hiền hòa vừa dữ dằn quanh năm đỏ nặng phù sa.

     Tôi là đứa trẻ hiếu động. Thầy u thường bảo: mày là con trai mới đúng. Tính cách đó theo tôi suốt cuộc đời.
     Tôi học cấp I ở trường làng. Năm học 1961 - 1962 tôi lên học trường huyện: Trường cấp II Phạm Hồng Thái. Trường huyện nhưng cũng chỉ cách nhà chưa đầy 2 cây số. Tôi học lớp 5 do thầy Chấn làm chủ nhiệm. Lớp 6 do thầy Khoan làm chủ nhiệm. Lên lớp 7, thầy  chủ nhiệm là thầy Nguyễn Quang Khải, quê ở Yên Lạc. Lớp 7 có gần 40 học sinh nhưng chỉ có 6 bạn nữ. Trong số 6 bạn nữ tôi thấp bé nhẹ cân nhất. Đã 15, 16 tuổi nhưng cân nặng chưa bao giờ với đến con số 40, còn chiều cao thì cũng " cực kỳ" khiêm tốn, nghĩa là chỉ xấp xỉ một mét bốn lăm. Về văn hóa, tôi chỉ ở loại trung bình. Nhưng bù lại tôi có năng khiếu về thể thao, nhât là môn chạy ở cự ly trung bình. Nghe có vẻ phi lý. Nhưng đó là sự thật. Trong các cuộc thi chạy cự ly 500m, 800m của khối 7 tôi luôn giành giải nhất. Thầy giáo, giáo viên thể dục khuyên tôi nên đi theo con đường thể dục, thể thao. Trong thâm tâm tôi cũng khát khao muốn thực hiện ước mơ đó. Nhưng ước mơ đó không thành. Đế quốc Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Không khí thề " Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" lại một lần nữa chảy trong huyết quản của cả dân tộc, đặc biệt là thanh niên. Tất cả lại tạm " xếp bút nghiên" lên đường chống Mỹ. Tôi là phận gái nhưng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bố tôi lúc đó đang là một quân nhân chuyên nghiệp khuyên tôi nên theo học lớp quân y. Tôi đồng ý ngay. Quân y cũng là đánh giặc chứ sao.
       Thế là tôi về Hải Phòng  theo học lớp y tá. Được 6 tháng thì lại một lần nữa rẽ sang ngã khác. Trên có chủ trương lấy con em quân nhân đưa sang Trung Quốc đào tạo chuẩn bị lâu dài cho cuộc chiến chống Mỹ.
      Tôi rời Việt Nam trên chuyến tàu Liên vận lúc 19 giờ 30 phút ngày 20 tháng 11 năm 1965. Nơi tôi đến là tỉnh Hồ Nam, cách Việt Nam trên ngàn cây số. Ở đây tôi được học ngành điện cơ khí sửa chữa ô tô. Sau 2 năm học tập  tôi đã thành thạo về điện ô tô và có thể sửa chữa đủ các " bệnh" về điện của các loại ô tô, kể cả ô tô vận tải cỡ lớn. Trong quá trình học điện tôi còn tập lái. Tuy đây không phải là nghề chính nhưng vốn hiếu động, thích mày mọ nên tôi học lái cũng nhanh.
      Thời gian học ở Hồ Nam tôi được cô giáo chủ nhiệm Triệu Huệ Lan hết lòng thương yêu. Cô dạy môn thợ máy, còn rất trẻ, chưa lập gia đình, bố mẹ mất sơn nên cô rất thông cảm với học sinh Việt Nam xa nhà, xa Tổ quốc. Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong thời gian học tập ở đây, đó là tại một buổi liên hoan văn nghệ, tôi đọc môt bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ chỉ có 4 câu nhưng thật hào hùng:
      " Sống chết, được như anh
         Thù giặc, thương nước mình
          Sống, làm quả bom nổ
         Chết, như dòng nước xanh".
    Cô Lan rất ngạc nhiên và khi hiểu ra câu chuyện lại biết tôi là học sinh của ngôi trường mang tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái, cô xúc động vô cùng. Cô ôm lấy tôi và nói: " Hôm nào cô sẽ đưa em về thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Quảng Châu là quê cô đó:. Tôi rất cảm động nhưng cũng nghĩ khó mà thực hiện được vì đường xá xa xôi lắm. Nhưng dịp may cũng đến. Cuối năm 1965 nhân được nghỉ mấy ngày cô đã đưa tôi về Quảng Châu như cô hứa. Hai cô cháu ngồi ô to chạy suốt hai ngày đêm mới tới nơi. Hai cô cháu đến ngay mộ Phạm Hồng Thái trên Hoàng Hoa Cương thành kính thắp nén hương thơm trên mộ người anh hùng. Tôi  vừa cảm động vừa tự hào. Có lẽ tôi là người học trò đầu tiên của Trường cấp II Phạm Hồng Thái được đến thăm và thắp hương lên mộ người anh hùng mà trường mang tên. Sau đó, cô đưa tôi đến dòng Châu Giang nơi Phạm Hồng Thái hy sinh. Nhìn dòng sông chảy hiền hòa tôi nhẩm đọc lại câu thơ " Sống, làm quả bom nổ/ Chết, như dòng nước xanh", rồi nghẹn ngào ôm lấy cô giáo, nước mắt rưng rưng. Điều đáng tiếc nhất trong chuyến đi này là tôi không có được tấm ảnh kỷ niệm đầy ý nghĩa này.
                                      Còn nữa ....
                                                             Tác giả: Nguyễn Thị Mai
Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment