2015-03-31

Đã Lên Xe Là Tiến (phần 2)


        Khóa học của chúng tôi đang rất thuận lợi  thì chúng tôi được lệnh gấp rút trở về nước phục vụ chiến trường. Đó là vào cuối năm 1966. Trở về nước, chúng tôi tập kết ở một vùng rừng núi Lạng Sơn để nhận công tác mới. Thế là mỗi người mỗi ngả. Tôi được phân công về xí nghiệp ô tô 3/2 trụ sở ở phố Lò Đúc Hà Nội. Đây là một cơ quan lớn có rất nhiều ô tô: Xe giải phóng Trung Quốc, xe Gát của Liên Xô. Nhiệm vụ của Xí nghiệp là vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ chiến trường. Tôi được biên chế vào tổ vận chuyển lương thực, thực phẩm. Tổ có 8 người, duy nhất có tôi là nữ. Tôi vừa làm nhiệm vụ lái xe vừa làm nhiệm vụ sửa chữa cho cả tổ vì trông tổ chỉ có tôi đã qua trường học sửa chữa ô tô.

      Thời chiến để được an toàn xe chỉ chạy ban đêm. Không có đèn pha. Chỉ có đèn gầm. Ánh sáng lờ mờ phía trước. Đêm đi, ngày tìm nơi ẩn nấp. Tiền tuyến gọi. Đã lên xe là tiến. Tổ của tôi chạy ở tuyến một. Nghĩa là chỉ đến Quảng Bình thì trao hàng rồi quay trở về Hà Nội. Nhiều đêm đến Quảng Bình nhìn phía trời xa thấy pháo sáng đan chéo trên bầu trời đen ngòm chỉ muốn đi tiếp. Miền Nam đang vẫy gọi ...
      Trong những năm đưa hàng vào chiến trường, tôi có biết bao kỷ niệm. Xin kể ra đây vài kỷ niệm vui. Nói là " vui" vì ai cũng hát " Đường ra trận mùa này đẹp lắm", nhưng thực ra rất ác liệt, hiểm nguy. Bom đạn tơi bời, cái chết lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.
     Chuyện tôi kể dưới đây là chuyện cười ra nước mắt thật sự. Hôm đó giao hàng xong, chúng tôi quay về, gần tới Ngọc Hồi, lúc đó khoảng 2,3 giờ sáng, trời tối đen như mực, đèn gầm lờ mờ, thấy trước đường ngổn ngang đá trắng. Lạ thật. Lúc đi có thế này đâu. Tuy tự hỏi vậy nhưng vẫn cứ cho xe vượt qua. Không thấy xóc mà trơn trượt. Rồi tiếng vịt kêu quàng quạc. Chúng tôi hoảng quá dừng xe lại nhảy xuống. Trên đường những con vịt chết nằm la liệt. Những con còn lại vừa kêu vừa chạy tán loạn. Mấy bác nông dân chăn vịt chạy đến. Chúng tôi xin lỗi và xin đền bù thiệt hại. Biết chúng tôi là bộ đội chuyển hàng vào chiến trường về các bác nhất định không lấy lại còn tặng chúng tôi mấy con về nấu cháo bồi dưỡng. Hôm đó chúng tôi đếm được 99 con tất cả. Từ đó tổ toi có biệt danh là " chiến sĩ diệt vịt". Ấy là nói vui vậy chứ chuyện này làm chúng tôi băn khoăn, ân hận mãi.
        Chuyện thứ hai, đó là vào đầu năm 1967, 8 xe chúng tôi khởi hành từ Hà Nội lúc sẩm tối. Các  xe bám đuôi nhau theo cự ly quy định. Đến Ninh Bình, xe đi đầu ra ám hiệu có pháo sáng của máy bay địch. Có thể có máy bay ném bom. Tất cả dừng xe vội vã mở cửa nhảy ra ngoài. Tôi nhảy ngay vào bụi dứa dại đau điếng người, nhưng tôi vẫn phải ngồi im cắn răng chịu đựng. Chờ mãi không thấy có gì. Mọi người rời khỏi vị trí, định thần nhìn lại rồi cùng ồ lên. Hóa ra không phải là pháo sáng mà là khói trắng ở lò vôi bay lên. Vừa đau, vừa buồn cười. Đã bao lần vào sinh ra tử rồi mà vẫn " thần hồn nát thần tính".
       Câu chuyện thứ ba: Chuyện xảy ra vào đúng thời kỳ " Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 ở Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi về đến Đuôi Cá lúc trời sắp sáng thì còi báo động vang lên. Loa phóng thanh phát ra tiếng nói rành mạc nhưng gấp gáp của nữ phát thanh viên: Máy bay địch cách Hà Nội 50km, 30km, 20km ... Tôi chưa kịp ra khỏi xe thì một tiếng nổ dữ dội ngay trên đầu. Tôi nhắm mắt lại, nắm chặt vô lăng thầm nghĩ, phen này chắc chết thật rồi. Trời bỗng tối sầm, một tiếng động khủng khiếp trên nóc cabin, đất rơi rào rào. Rồi tất cả rơi vào in lặng. Tôi mở mắt nhảy ra khỏi xe. Một khối đất phủ kín nóc cabin chiếc Gat. Thật hú vía.
      Những câu chuyện trên đã qua hơn 40 năm, nhưng mỗi lần nhớ lại tưởng như mới hôm qua. Tôi thấy tự hào là cô gái nhỏ bé ở một vùng quê yên bình, cô học trò nhỏ của ngôi trường mang tên người anh hùng Phạm Hồng Thái đã góp một phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc.
                                                   Tác giả: Nguyễn Thị Mai
Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment