2015-03-31

Hoa Mộc Miên


        Thế là mùa hoa gạo lại sắp qua, lúa chiêm đã "lấp ló đầu bờ", chờ cơn mưa đầu hạ để vào thì con gái. Đã bao mùa hoa gạo đi qua mà tôi vẫn không cắt nghĩa nổi vì sao người ta lại gọi loài hoa có cái tên Mộc miên gắn với câu chuyện tình thủy chung, cảm động, đẫm nước mắt kia là hoa gạo?

      Phải chăng hoa nở vào những ngày tháng ba giáp hạt? Khi ấy lũ trẻ chúng tôi, bụng réo sôi vì đói, đứng ngóng cổ lên vòm trời xanh, nơi có những cành khẳng khiu, cổ kính - nơi những con chào mào, sáo sậu bay quanh, mổ vào những chùm hoa gạo đỏ thắm làm nó rơi xuống như đốm lửa, để rồi cả lũ ùa chạy, để rồi cướp nhau và rồi lại chia nhau từng cánh hoa, cắn vào đài hoa để cảm nhận một vị nhận một vị nhan nhát ngọt, một mùi thoang thoảng thơm. Hai cây gạo cổ thụ ở Đền Bà đã  p
        Với riêng tôi, ngôi đền và hai cây gạo cổ tích ấy còn gắn với kỷ niệm về một người thầy, gắn với những năm chiến tranh. Trường cấp II Phạm Hồng Thái phải chia các lớp học ra nhiều nơi để tránh thương vong khi có tình huống xấu xảy ra. Lớp 5B chúng tôi học ở dãy Tả vu Đền Bà. Lớp học là một dãy nhà đã cũ, nền đất tróc lở, bàn ghế liêu xiêu, nắng, gió và những cơn mưa mùa hạ có thể ùa vào lớp tự do như những cậu trai nghịch như quỷ sứ, ham chơi, la cà vào lớp muộn.
      Thầy Nguyễn Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B chúng tôi người gầy gò, nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, nhưng từ dáng đi, cử chỉ, nhất là ánh mắt thầy nhìn luôn toát lên vẻ cương nghị, song cũng rất trìu mến, bao dung. Trong ký ức của chúng tôi còn lưu giữ đậm nét hình ảnh thầy bình tĩnh dẫn lũ chúng tôi đội mũ rơm, chạy xuống hào tránh bom, luồn vào lũy tre, đến các hố cá nhân và hầm chữ A trú ẩn trong tiếng kẻng dồn dập - cái thứ âm thanh đến bây giờ vẫn còn khiến tôi phảng phất một cảm giác sợ hãi mơ hồ - rồi nép dưới hai cánh tay thầy dang rộng như gà mẹ che chở đàn con trong đôi cánh của mình trước sự rình rập của loài cú vọ. Để rồi khi tiếng kẻng báo yên thầy lại ung dung đứng trên bục giảng, noi cho học trò nghe về những bài thơ, áng văn bất hủ, về đạo lý làm người.
       Chuyện vui làm ta nhớ lâu, có những chuyện chẳng biết vui hay buồn nhưng cứ làm ta băn khoăn, nhớ mãi. Đó là lần không biết có đứa quỷ quái nào trèo qua những ô cửa không cánh vào ... bậy ra lớp. Cả lớp nhìn nhau. Bàn trực nhật bịt mũi, nhăn mặt. Thầy đến lớp, không quát mắng, chẳng bắt trò làm, chỉ lẳng lặng ra ngoài vườn chuối, tuốt vài tàu là khô vào vệ sinh sạch chỗ bẩn. Lũ chúng tôi nhỏ quá, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, lại vô tư ùa vào lớp.
       Bây giờ, khi đã lớn lên, đã đi nhiều nơi, đã gặp nhiều người và chứng kiến bao buồn vui nhân thế, nhất là nghe, xem những chuyện thầy- trò thời nay, lại càng thấm thía những việc làm giản đơn mà thấm đẫm tình người, tình thầy sâu sắc ngày ấy. Chẳng ai bảo thầy phải là tấm gương, thế mà những việc thầy làm, những lời thầy nói đã trở thành hành trang theo chúng tôi suốt cả cuộc đời.
       Bây giờ thầy đã đi xa, hai cây gạo quá già cũng không còn nữa, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo, khang trang, đẹp đẽ.
       Hai cây gạo mới được dân làng trồng, bắt đầu cho một sự hồi sinh theo dòng chảy bất tận của thời gian. Nhưng trong lòng chúng tôi, kỷ niệm về một miền thơ ấu với những thầy giáo, cô giáo kính yêu luôn được nâng niu theo bước chúng tôi trong suốt chặng đường đời.
                                                     Tác giả: Lê Văn Lãng
                            Phó chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc
                                                         
Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment