2015-03-30

Ký Ức Một Con Đường


  Năm 1961, rời Trường cấp I Tiến Thịnh, tôi được lên học cấp II trường huyện. Đầu năm chúng tôi còn học nhờ ở đình làng thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc. Khi trường huyện xây xong, chúng tôi chuyển về cơ sở mới đặt ở xã Thạch Đà. Ngôi trường mới có 4 phòng học rộng rãi, mái ngói đỏ tươi! Trường được mang tên người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái! Tôi và bạn bè phấn khởi và tự hào lắm!
      Tôi học lớp 5A. Khối 5 có 3 lớp. Lớp tôi toàn các bạn mặt còn non choẹt, sàn sàn như nhau! Các lớp 5b, 5c nhiều người lớn lắm, chúng tôi phải gọi là anh, là chị! Còn các anh chị lớp 6, 7 thì khỏi phải nói!  Có anh trông còn già hơn cả thầy giáo, có anh đã có vợ có con rồi! Từ những cô bé, cậu bé nhà quê chính gốc, lớp học là đình làng, nay được ra trường huyện, những ngày đầu, chúng tôi không khỏi e dè, bỡ ngỡ. Nhưng những ngày đó cũng qua nhanh, chúng tôi hòa đồng và thân thiện cùng bạn bè trong ngôi trường mới. Vui nhất là trường toàn các thầy giáo rất trẻ, đầy tâm huyết với học trò. Các thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt, mở mang cho chúng tôi một trân trời mới về tri thức, về những khát vọng cao đẹp! Thầy chủ nhiệm lớp 5A của tôi là thầy Nguyễn Hữu Phấn, quê ở tận Thanh Hóa! Thầy quan tâm và  chăm chút chúng tôi như chăm một đàn em! Các thầy bộ môn cũng vậy! Chúng tôi đã tiếp thu được bao điều mới mẻ về kiến thức, về cuộc sống. Tôi còn nhớ một kỷ niệm, đó là lần nhà trường phát động quyên góp sách để xây dựng thư viện. Tôi đã không ngần ngại về nhà tìm chọn trong giá sách của anh tôi đem ủng hộ nhà trường gần hai chục cuốn. Rồi một lần khác tôi xin mẹ nhờ người đẵn cho một cây tre vừa to, vừa dài vác hộ đến trường!
       Tôi không ngờ việc làm ấy của tôi lại được thầy hiệu trường  tuyên dương mấy lần! Thầy hiệu trưởng của chúng tôi cũng rất trẻ, sau này tôi mới biết lúc đó thầy mới 23 tuổi! Trông thầy đĩnh đạc, có giọng nói trầm ấm, ôn tồn nhưng rất nhiệt tình, tận tụy, vui say với các hoạt động ngoại khóa cùng học trò. Chúng tôi, lớp học sinh bé nhất trường, được sống chan hòa trong sự quan tâm, chăm sóc của thầy chủ nhiệm, của các thầy cô bộ môn, các anh chị đoàn viên lớp 7 phụ trách đội thiếu niên và cả thầy hiệu trưởng nữa! Thầy nhớ rất nhiều tên các bạn lớp tôi, nào là: Chân, Chín, Thái, Thực, Mười, nào là Tâm, Trình, Thắng, Phi, Quất, Xuyên ...
      Tôi nhớ một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1961 chúng tôi đã cuốc bộ gần 10 cây số từ quê vào Phúc Yên lễ tết thầy! Từ Thạch Đà, Tiến Thịnh, Chu Phan băng qua cánh đồng Liên Mạc, Tự Lập để lên đê sông Cad Lồ, nước trong xanh, thơ mộng. Bên đường xum xuê cây trái: nào ổi, nào nhãn, nào vải chạy dọc bờ sông. Qua Bạch Trữ, Tiền Châu rồi đến thị xã Phúc Yên. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một chuyến đi bộ xa như thế. Lần đầu tiên bọn nhóc nhà quê chúng tôi được ra tỉnh. Lần đầu tiên, giữa ngày tết chúng tôi " dám" đến nhà thầy hiệu trưởng. Cho nên tuy có mệt song rất vui và ấn tượng. Đó là một kỷ niệm đẹp sống mãi trong tôi cho đến tận bây giờ.
      Từ ngày được học trường huyện, chúng tôi, những học trò quê Tiến Thịnh ngày nào cũng phải vượt qua đoạn đường dài trên bốn cây số để tới trường. Trên con đường đó, hàng ngày, chúng tôi đã đồng hành cùng những người dân lam lũ, suốt ngày bám mặt cho đất, bám lưng cho trời trong đồng, ngoài bãi và ngược xuôi chạy chợ để kiếm đồng rau, mớ tép hay để có vài đồng mua dầu thắp sáng hoặc giấy bút  cho con ăn học. Nhà tôi cũng vậy. Mẹ tôi hàng ngày tần tảo vất vả sớm tối nhưng luôn nhắc nhở chị em chúng tôi " Đói cho sạch, rách cho thơm", " Thương người như thể thương thân" ... Tôi còn nhớ, một lần mẹ đi chùa về, có mấy phẩm oản nho nhỏ, mẹ chia làm 4 phần, bảo tôi đem cho mấy đứa trẻ hàng xóm. Thấy tôi ngần ngại, mẹ bảo: " Đây là lộc chùa, một ly, một lai cũng quý con ạ!" Những bài học ấy theo tôi cho đến tận bây giờ.
       Cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn, song bù lại tuổi thơ của tôi đã nhận được bao tình yêu thương của mẹ, của các thầy cô, tất cả như tiếp cho tôi sức mạnh! Có lẽ vì thế mà ký ức về con đường luôn luôn thức dậy trong tôi. Mỗi buổi sáng, vui chân nhanh đến lớp đúng giờ để được gặp bè bạn, để được nghe lời thầy giảng! Tan lớp mong sao nhanh về với mẹ để được ăn uống no nê! Trên đường đi về, tôi cùng bạn bè còn tìm kiếm sâu bọ hoặc những cây mọc bên bờ đầm hay ven đê để chuẩn bị cho các giờ thực hành môn sinh vật. Cũng trên con đường ấy, tình cảm bạn bè, anh em trở lên thân thiết hơn, có khi những mẩu chuyện không đầu không cuối, có khi vừa đi vừa hỏi nhau những khúc mắc về một bài toán, bài văn. Một kỷ niệm còn hằn sâu trong ký ức của tôi, đó là năm tôi học lớp 6. Lớp 6A của tôi do thầy Khoan - Quê ở Ninh bình làm chủ nhiệm và dạy môn văn. Một lần thầy ra đề về nhà: " Em hãy kể lại chuyện một người nhặt được của rơi đem trả người mất:! Đề bài nghe thì dễ nhưng lúc viết thì lại thấy khó vô cùng. Trên đường về nhà, tôi cùng Quất, Tháu, Núi, Xuyên tranh luận mãi việc chọn đối tượng nhặt được ; giá trị vật nhặt được ... diễn biến tâm trạng khi nhặt được và khi quyết định đem trả? Nhờ có sự tranh luận, trao đổi đó tôi đã chọn viết về chuyện mình nhặt được chiếc bút máy trên con đường tới trường. Chiếc bút máy đối với học sinh lúc đó là quý lắm, có giá trị lắm! thế nhưng nhân vật  của tôi vẫn nộp cho nhà trường mong trả lại cho người mất! Và kết quả đến với tôi thật bất ngờ. Giờ trả bài, thầy nhạn xét chung rồi nói: Lớp ta có một bài viết được điểm 5 ( hồi đó cho đểm theo thang điểm 5). Chúng tôi hồi hộp mong chờ thầy đọc cho nghe. Nhưng thầy lại bảo: " Thầy Liên đã mươn bài dán lên trang báo tường của lớp 7A rồi". Thầy Phùng Ngọc Liên năm ấy chủ nhiệm và dạy Văn Lớp 7A. Lớp cuối cấp. Lớp tôi chẳng được thầy dạy môn văn nhưng cũng rất may mắn được thầy dạy môn lịch sử! Với vóc dáng thư sinh pha chút nghệ sĩ, giờ giảng của thầy có sức cuốn hút kỳ diệu với học trò. Chúng tôi chỉ mong đến giờ lịch sử để nghe thầy giảng giải bài. Vì vậy khi thầy khoan  nói xong, cả lớp ồn lên. Ngạc nhiên! Bất ngờ! Được thầy chọn làm bài mẫu cho các anh chị lớp trên cơ ah? Chúng tôi hồi hộp chờ thầy nói tên tác giả bài văn điểm 5 ấy. Thầy mỉm cười, vui vẻ: " Chờ đấy!" và thầy trả bài. Tôi ngơ ngác chờ nhận bài của mình mà mãi không thấy! Thầy nhìn về phía tôi và nói với cả lớp: " Bạn nào không có bài thì đứng lên nào"! Tôi ngượng ngùng đứng dậy, mặt nóng bừng! Chẳng lẽ bài điểm 5 ấy là mình? Thực tình tôi học các môn cũng chỉ kha khá, không có gì xuất sắc cả. Môn văn cũng vậy! Cao nhất cũng chỉ điểm 4. Thế mà sao bài viết này lại được điểm cao nhỉ? Với tâm hồn non nớt, tôi chẳng thể nào lý giải được! Chỉ biết rằng, sau những giây phút lúng túng, bất ngờ, niềm vui cứ ngọt ngào thấm vào tâm hồn tôi!
       Từ bấy đến nay đã  qua nửa thế kỷ, thời gian vẫn lặng lẽ trôi, cảnh vật và con người đã thay đổi quá nhiều! Nhưng những ký ức về một thời tuổi hoa, ký ức về con đường quê đưa tôi tới mái trường Phạm Hồng Thái thân yêu vẫn là những dấu ấn đặc biệt có ảnh hưởng lớn tới tình cảm và ý chí của tôi trong suốt cuộc đời! Bây giờ mỗi lần về quê, qua Thạch Đà, qua trường cũ, qua con đê sông Hồng rồi tới con đê quai về làng, lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến:
       Ôi biết bao kỷ niệm của một thời
       Trong veo những ánh mắt sáng ngời
        Khó khăn gian khổ không chùn bước
       Khao khát kiếm tìm chăng cạn vơi
       Nhớ lắm em ơi một khoảng trời
       Con đường đến lớp  rộn niềm vui
       Tình thầy, nghĩa bạn sao ấm áp
       Chia sẻ chung vui rộn tiếng cười.

      Hôm nay, viết những dòng này, em xin phép các thầy cô cho em được gửi lời tri ân tới các thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt em trong những ngày thơ trẻ; cho em được coi đây là nén tâm nhang tưởng nhớ đến thầy Phấn, thầy Khoan, thầy Nguyễn Liên, ba thầy chủ nhiệm ba lớp 5A, 6A, 7A của chúng em bây giờ đã đi xa; cho em được gửi lời tri ân tới quê hương Tiến Thịnh, Chu Phan, Thạch Đà, mảnh đất sinh ra em, mảnh đất với những con đường là nhịp cầu đưa em đến cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, dạy dỗ chúng em nên người, nơi ươm mầm cho những cây non xanh tốt, kết hoa thơm, trái ngọt cho đời: Trường cấp II Phạm Hồng Thái thân yêu  ....
                                          Tác giả: Đào Bích Mười
                                                  

Xem thêm các bài viết
>> Tình Cũ Không Rủ Cũng Tới

No comments:

Post a Comment