Mấy hôm nay ba đứa chúng tôi: Mậu, Mai, Kính dù đã sắp đến cái tuổi " cổ lai hy" mà vẫn cứ háo hức, thấp thỏm chờ ngày cùng các thầy và các bạn vào xứ Thanh thăm thầy giáo cũ y như hồi còn là cô trò nhỏ chờ ngày đi cắm trại ...
Rồi ngày lên đường cũng tới. Chúng tôi đến điểm hẹn. Xe của các thầy và các bạn từ Vĩnh Phúc đi qua sẽ đón chúng tôi. Đã là cuối thu. Buổi sáng đã hơi se lạnh. Những chiếc lá vàng đầu tiên rời cành bay nghiêng nghiêng trong gió. Bầu trời trong vắt. Bỗng nhớ đến bài hát " Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn: " Hà nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ ... ".
7 giờ 30 phút, chiếc xe mang biển số 29B-06110 đỗ xịch trước mặt. Cánh cửa vừa mở ra chúng tôi đã ào lên xe. Trên xe đã đông đủ các thầy và các bạn trong chuyến " Về Lam Kinh thăm thầy giáo cũ ". Ấy là nói " lũ" chúng tôi. Còn các thầy là thăm bạn. Tính từ ngày đầu thành lập trường đến nay đã trên nửa thế kỷ, đã quá nửa đời người. Vậy mà bây giờ mới có điều kiện để thầy trò cùng nhau tổ chức một chuyến đi xa sau nhiều lần trì hoãn vì nhiều lý do.
Chuyến đi này có 5 thầy và 13 bạn với chị Đức vợ bạn Thuẫn là 14.19 thầy trò tất cả. Các thầy gồm: Thầy Can hiệu trưởng, thầy Phú, thầy Liên dạy Văn, thầy Hùng dạy Toán - Lý, thầy Lạc dạy sinh vật. Các thầy đã ở tuổi ngoài 70. Trò có các anh chị: Thuẫn, Tư, Dương, Bình, Huệ, Vĩnh, Yến, Mậu, Vinh, Mai, Thành, Hải và tôi. Trong số trò đi có cả những bạn còn nhiều tuổi hơn cả thầy, đã có chắt. Vui lắm!
Thầy trò gặp nhau chuyện trò, cười nói tíu tít, vui như người thân sau những ngày xa cách gặp lại nhau. trong không khí náo nức ấy, những ký ức xa xăm của thời hoa niên ùa về. Ngày ấy tôi mới chỉ 14, 15 tuổi. Lần đầu tiên xa nhà đến trường huyện. Gọi là trường huyện nhưng chỉ có 6 phòng học cấp 4 lợp ngói. Nhưng như thế với chúng tôi vẫn là nguy nga, tráng lệ lắm rồi. Vì so với những ngày học cấp I ở trường làng thì đã là "một trời một vực". Tôi còn nhớ cái cảm giác năm học đầu tiên ở cấp 2, lớp 5, học nhờ ở chùa làng Mạnh Trữ. Tôi ngồi ngay dưới chân ông Hộ pháp to đùng. Tôi sợ đến mức không dám thở to ... Nhưng chính ở đó các thầy đã mở mang cho tâm hồn non trẻ của lũ học trò nông thôn chúng tôi, đã chắp cánh cho những mơ ước của chúng tôi bay đến chân trời mới ...
Thời gian trôi đi. Đã hơn nửa thế kỷ. Đã có biết bao biến cố, biết bao thăng trầm của đời người. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Đau thương có. Mất mát có. Đói khổ có. Hạnh phúc có. Và, người còn, người mất ... Thế mà giờ đây thầy trò chúng tôi còn gặp lại được nhau, được nhau, được ngồi chung trên một chuyến xe đầy đủ tiện nghi, chuyện trò vui vẻ thì thật không có niềm vui nào sánh được. Tự nhiên mắt tôi cay xè. Tôi biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Trên xe, hầu như chẳng khi nào ngớt tiếng cười nói. Loáng một cái mà đã đến địa phận Ninh Bình. Tôi nhìn ra hai bên đường, những dãy núi đá vôi trùng điệp, nhiều ngọn nham nhở vì người ta nổ mìn lấy đá. Biển báo: Đèo Tam Điệp. Bỗng nhớ câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đọc từ khi còn học cấp II Phạm Hồng Thái" " Một đèo, một đèo lại một đèo ..." lòng bỗng thấy bùi ngùi luyến tiếc vì không còn " cảnh cheo leo" nữa mà đường đã phẳng lỳ gần như không còn đèo dốc.
Gần trưa đến Hàm Rồng. Bây giờ cầu Hàm Rồng dành riêng cho xe lửa. Xe chúng tôi qua Hoàng Long, cây cầu mới mở, nhìn sang phía trái là cầu Hàm Rồng. Dòng sông Mã đang cuồn cuộn đổ ra biển. Câu thơ " Sông Mã gầm lên khúc độc hành' của nhà thơ Quang Dũng vang lên như đưa tôi về một thời xa xăm và oai hùng của
" Đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" ...
Trưa! Xe chúng tôi đến Hoàng Anh quê thầy Quý. Cái nắng miền Trung thật gay gắt. Thầy Quý và cả nhà ra đón. Niềm vui và tự hào tràn ngập trong ánh mắt của thầy. Tôi biết thầy cảm động lắm. Thầy đưa chúng tôi vào nhà. Sau một lúc hàn huyên thầy Can thay mặt đoàn nói lời chúc mừng sức khỏe và tặng thầy Quý bức tranh thêu, món quà kỷ niệm của cựu thầy trò Trường cấp II Phạm Hồng Thái. Thầy Quý rưng rưng xúc động cảm ơn và nói: " Các Thầy và các em thấy không, cả 3 gian ngoài nhà tôi không treo bằng khen chi hết, chỉ treo toàn ảnh các lần thầy trò gặp mặt nhau. Tôi treo để " khoe" với dân làng đấy. Đây là những tấm bằng khen cao quý nhất mà tôi có được trong cả cuộc đời dạy học của mình."
Quá trưa, chúng tôi rời nhà thầy Quý vào Tĩnh Gia thăm thầy Báu. Thầy Quý cũng đi cùng 3 giờ chiều đến Tĩnh Gia. Nhà thầy giáp biển. Gió thổi lồng lộng. Biển xanh biếc, mênh mông. Cũng như thầy Quý, cả nhà Thầy Báu ra đón chúng tôi. Vợ thầy cũng là cô giáo. Nhận bức tranh thêu quà kỷ niệm của thầy trò chúng tôi - thầy Báu xúc động nói: " Anh Can à, vợ chồng và gia đình tôi không thể tin được có một ngày, anh, các bạn và các em vượt mấy trăm cây số vào tận đây để thăm tôi và gia đình. Tình cảm này, tiền của nào mua được. Tôi cảm ơn tấm lòng của các thầy và các em". Đêm ấy chúng tôi nghỉ tại Tĩnh Gia. Thầy trò chuyện trò, tâm sự mãi đến tận khuya, tưởng như không thể nào rứt ra được.
Sáng hôm sau, ngày 29 tháng 9 chúng tôi chia tay gia đình thầy Báu đi thăm Lam Kinh và thành nhà Hồ. Thầy Báu vì lý do đặc biệt nên không thể đi cùng. Thầy trò chúng tôi bịn rịn mãi mới đi được. Tối hôm đó chúng tôi về nghỉ tại Sầm Sơn. Sáng hôm sau chúng tôi lên đường trở về Vĩnh Phúc. Đến ngã ba Tào Xuyên thầy Quý tạm biệt chúng tôi trở về Hoàng Anh. Chào, bắt tay, chụp ảnh. Lại chụp ảnh, bắt tay, chào. Mãi mà không rời nhau được ... Lên ô tô, chúng tôi mở cửa vẫy tay chào thầy lần cuối. Thầy đứng đó giữa ngã ba đưa tay vẫy chúng tôi, bần thần, buồn bã. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bính:
" Những bàn tay vẫy nhũng bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn buồn trốn này:.
Nhưng khác Nguyễn Bính đây là cái buồn của một niềm vui lớn. Tôi bấm điện thoại, màn hình hiện lên: 8 giờ 55 phút ngày 30 tháng 9 năm 2013.
Chuyến đi ... về xứ Thanh chỉ có 3 ngày. Nhưng đây sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của tôi. Tôi tin là các thầy và các bạn cùng ý nghĩ như tôi. Bây giờ, hàng ngày đọc báo, xem truyền hình thấy những chuyện " chẳng lành" trong quan hệ thầy - trò càng thấy thấm thía tình nghĩa thầy trò của " Một thời để nhớ" ... Tôi bâng khuâng suy nghĩ về con cháu mình và chợt nhớ để nhớ" ... Tôi bâng khuâng suy nghĩ về con cháu mình và chợt nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: " ... Liệu mai sau các con còn nhớ chăng...?"
Tác giả: Trần Thị Kính
Xem thêm các bài viết
>> Một Thời Hoa Lửa
>> Nhớ Mái Trường Xưa
>> Một Thời Gian Khó
>> Tết Thầy
>> Một Thời Để Nhớ
>> Sứ Mệnh Xanh và Khát Vọng Một Đời (phần 1)
>> Sứ Mệnh Xanh và Khát Vọng Một Đời (phần 2)
>> Nguyễn Hữu Sơn
>> Nơi Khởi Nguồn Và Chắp Cánh Cho Tôi
>> Chuyện Tình Lan Và Tuấn
>> Tình Cũ Không Rủ Cũng Tới
>> Ký Ức Một Con Đường
>> Kỷ Niệm Mái Trường Xưa
>> Số Phận Một Con Người (phần 1)
>> Số Phậm Một Con Người (phần 2)
>> Đã Lên Xe Là Tiến (phần 1)
>>> Đã Lên Xe Là Tiến (phần 2)
>> Hoa Mộc Miên
>> Mùa Hè Đến
>> Nhớ Mái Trường Xưa
>> Một Thời Gian Khó
>> Tết Thầy
>> Một Thời Để Nhớ
>> Sứ Mệnh Xanh và Khát Vọng Một Đời (phần 1)
>> Sứ Mệnh Xanh và Khát Vọng Một Đời (phần 2)
>> Nguyễn Hữu Sơn
>> Nơi Khởi Nguồn Và Chắp Cánh Cho Tôi
>> Chuyện Tình Lan Và Tuấn
>> Tình Cũ Không Rủ Cũng Tới
>> Ký Ức Một Con Đường
>> Kỷ Niệm Mái Trường Xưa
>> Số Phận Một Con Người (phần 1)
>> Số Phậm Một Con Người (phần 2)
>> Đã Lên Xe Là Tiến (phần 1)
>>> Đã Lên Xe Là Tiến (phần 2)
>> Hoa Mộc Miên
>> Mùa Hè Đến
No comments:
Post a Comment