2015-03-31

Nhớ Về Một Thời " Đội Mũ Rơm Đi Học Đường Dài"


         Đã  nửa thế kỷ đi qua nhưng nhũng hình ảnh về ngôi trường cấp II Phạm Hồng Thái  những năm 60 vẫn hằn sâu trong ký ức tôi. Năm tôi vào học cấp II chính là năm đế quốc Mỹ  đem máy bay bắn phá miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt.

     Ấn tượng về ngôi trường đang đẹp đẽ như thế mà bỗng chốc tan hoang tất cả vẫn đằm sâu trong trí óc tôi. Chẳng là, để phòng máy bay Mỹ ném bom, tất cả các trường đều phải đào giao thông hào để sơ tán học sinh khi có báo động. Trường tôi nằm ở vị trí có " nguy cơ cao" vì chỉ cách ga xe lửa Phúc Yên chưa đầy 10 cây số và thủ đô Hà Nội khoảng trên 20 cây số theo đường chim bay. Cánh cửa ra vào lớp phải tháo ra. Các cửa sổ cũng bị gỡ bỏ và hạ thấp ngang sàn lớp học. Giao thông hào từ đó chạy túa ra xung quanh sân vận động rồi bắt vào hệ thống mương máng thủy lợi của hợp tác xã nông nghiệp. Cảnh quan ngôi trường bỗng chốc loang lổ, xấu xí hẳn đi. Chiến tranh thật sự là tàn bạo, thấy căm giận lũ giặc trời khôn tả. Thế nhưng khi giao thông hào đã xong ở tất cả các lớp thì tình huống mới lại xảy ra. Tôi không nhớ rõ là ngày nào  nhưng chắc là vào cuối tháng 10 năm 1966, khi chúng tôi mới học chưa được hai tháng thì Mỹ ném bom xuống một trường cấp II ở Thái Bình làm chết một cô giáo và mấy chục học sinh. Tình hình trở nên rất căng thẳng. Bon đã nổ ở Việt Trì và Thái Nguyên ... Thế là một lần nữa chúng tôi lại phải phân tán về các thôn xóm, làm lớp chìm, hào giao thông đào từ lớp ra hầm trú ẩn, còn gọi là hầm chữ A cách xa lớp ba bốn chục mét. Chúng tôi, ngoài túi đựng sách còn đeo sau lưng nùn rơm, đội trên đầu mũ rơm, quàng trên vai túi cứu thương ... Tất cả những vật dụng thô sơ ấy làm ra để chống lại những " Con ma", " Thần sấm" hiện đại bậc nhất thế giới  của đế quốc Mỹ. Và chúng tôi đã thắng vì đạn bom không thể ngăn được chúng tôi hàng ngày vẫn đàng hoàng đến lớp, vẫn cười đùa, vẫn cất cao tiếng hát át tiếng bom" ...
       Một kỷ niệm sâu sắc nữa mà tôi vẫn đau đáu trong lòng suối mấy chục năm qua là việc chúng tôi có một tổ thủy lợi  với cái tên rất ấn tượng. Hồi đó, nửa ngày đi học, nửa ngày ở nhà lao động giúp gia đình. Trong phong trào kết nghĩa Bắc Nam, xã tôi cùng với một số xã trong vùng đào con kênh lấy nước phục vụ sản xuất. Con kênh có tên là kênh Thạnh Phú. Chín anh em chúng tôi học cùng một lớp, ở cùng một xóm, nhân dịp đang được nghỉ hè xin hợp tác xã cho lập một tổ cùng đi đào kênh với xã viên. Trong một bữa cơm trưa, đang lúc vừa ăn, vừa đùa nghịch, không nhớ ai đã khởi sướng ra việc đặt tên cho tổ để làm kỷ niệm. Lúc đầu đặt tên là " Tổ Thủy Lợi Thạch Phú. Nhưng sau lại bỏ vì trùng tên với con kênh. Trong lúc đang bí thì bỗng tổ trưởng Nghệ nói hay là ta đặt tên tổ là " Tổ Thủy Lợi Trâu - Hổ" vì bọn mình tòa sinh năm trâu, năm hổ cả. Nghe nghệ nói thế cả tổ cùng ồ lên và đồng ý ngay. Trâu - Hổ cùng sinh hoạt, làm việc với nhau vui vẻ, đoàn kết, không " chơi ác" nhau như trong truyện " Trí khôn của ta đây". Chúng tôi thích cái tên ấy lắm, coi đây là một " sáng kiến vĩ đại:. Tổ thủy lợi sau hè thì tự giải tán vì con kênh cũng gần xong, nhưng cái tên tổ vừa tinh nghịch vừa ý nghĩa của tuổi học trò thì theo chúng tôi suốt đời.
       Sau khi học hết cấp II, chín đứa chúng tôi, mỗi người mỗi ngả. Các bạn Thanh, Nghệ, Đức, An, Quang lần lượt lên đường  nhập ngũ. Từ và Mai ở nhà làm ruộng, Hiền đi học lớp y tá còn tôi lên Hà Giang học tiếp cấp III. Có thể nói đây là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời của chúng tôi. Đó là một miền ký ức đẹp, là nỗi nhớ khôn nguôi. Bởi đó cũng là những gì gắn liền với mái trường Phạm Hồng Thái thân yêu của chúng tôi ở tuổi ấu thơ. Ở đó chúng tôi có những người thầy khả kính, những người bạn chí tình.
                                           Tác giả: KSXD Nguyễn Văn Khôi
                                                   
Xem thêm các bài viết

No comments:

Post a Comment