Gần đây chúng ta được chứng kiến một chiến dịch chấn hưng văn hóa ngoại lai trên đất Việt Nam ta, của bộ văn hóa và truyền thông. Đầu tiên là việc loại bỏ hết các tranh ảnh, linh vật có nguồn gốc ngoại lai ra khỏi các công sở, đền đài, miếu mạo. Đã đến lúc nét văn hóa thuần Việt lên ngôi. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại cái chân giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Lịch sử Việt Nam ta trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ những nhà nước sơ khai đầu tiên là Văn Lang, cho đến ngày nay là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nhân dân ta đã tích tụ lại rất nhiều nét văn hóa đặc trưng và đặc sắc. Tuy văn hóa vùng miền có khác nhau. Giữa vùng đồng bằng bắc bộ và vùng núi cao phía bắc có sự khác biệt rõ dệt. Giữa nét văn hóa miền bắc và miền Nam cũng khác nhau. Lý giải về sự khác nhau này, có rất nhiều nguyên nhân. Do tập quán sống đặc trưng của từng vùng miền để hài hòa với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Vùng thì núi đá cao chót vót, hiểm trở. Vùng thì chỉ là một miền đồng bằng châu thổ trù phú. Vùng thì chí có gió Lào và cát trắng như khu vực miền trung. Vùng lại sông nước mênh mông như đồng bằng sông Cửu Long. Sự khác biệt và lai căng nhiều luồng tư tưởng văn hóa còn do các chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc, và chính sách " chia để trị" của Pháp ở nước ta. Nhưng tựu chung lại, chúng ta đều là người Việt Nam. và có nét văn hóa đặc trưng của riêng mình.
Người Việt của chúng ta rất coi trọng tự do trong hôn nhân. Nét văn hóa thuần Việt là khi con cái nói muốn kết hôn cùng ai thì cha mẹ chỉ ưng thuận, và sắm trầu cau để tiến hành thủ tục hỏi cưới. Vì thế trai gái được tự do tìm hiểu, giao duyên. Họ gặp gỡ nhau trong các lễ hội truyền thống nhân dịp đầu xuân năm mới, trong các cuộc thi hát đối, hát ghẹo, ... nơi thôn dã. Hoặc trong các sinh hoạt, lao động hàng ngày. Để rồi họ cho ra đời những câu ca dao mượt mà, ấm áp và chan chứa ân tình:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Hoặc bài ca dao cầu hôn của một chàng trai, có đủ cả sự chân thành, tế nhị mà vẫn dẫn thiết tha:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Hay mượn cô ấy về khâu cho mình?
Khâu rồi anh sẽ giúp cho
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Cái chăn em đắp, cái chằn em đeo
Giúp cho hai thúng xôi vò
Một con lợn béo, hai vò rượu tăm .....
Người Việt rất coi trọng hôn nhân tự nguyện, từ ngàn xưa các cụ ta vẫn có câu ca: Ép dầu, ép mỡ ai lỡ ép duyên? Họ ca ngợi tình phu phụ thuận hòa bằng câu: " Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn". Họ cũng rất hạnh phúc cảnh sống lao động ấm cúng, bình đẳng nơi làng quê trong câu ca dao:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Vậy mà đã có thời nước ta bị phong kiến phương bắc đô hộ. Họ đem văn hóa đối lập của họ áp đặt lên nhân dân ta. Những câu cửa miệng lạ hoắc ra đời như: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy? Con gái thì phải cấm cung? Đàn ông thì ra ngoài làm việc, hiểu chuyện, còn đàn bà chỉ nên biết việc buồng the, bếp núc? Dân mình vẫn ca ngợi lối sống thủy chung son sắt, coi trọng nghĩa tình. Vậy mà họ lại truyền bá tư tưởng:
Trai tài năm thê bảy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng?
Tất cả những điều này góp phần đè nén tâm hồn, làm tê liệt tinh thần của nhân dân ta, nhất là đối với người phụ nữ. Tạo ra cả một xã hội phương đông trì trệ và kém phát triển. Rồi các nước phương tây, với nền văn hóa tự do, mới mẻ. Tư duy tiến bộ, họ đem súng đạn sang và biến cả châu Á, châu Phi thành các nước thuộc địa của họ.Giờ thì xã hội ta đã lại rất đề cao việc tự do yêu đương và kết hôn của các bạn trẻ. Nhưng đâu đó nơi vùng thôn quê hẻo lánh, hay trong tư duy của những kẻ chậm tiến bộ vẫn còn những suy nghĩ lệch lạc. Việc kết hôn của các bạn trẻ còn phụ thuộc vào rất nhiều ý kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên. Việc này dẫn đến nhiều đôi trai gái thật lòng yêu nhau nhưng không đến được với nhau, tạo lên sự đau khổ trong cả cuộc đời họ. Vì dù thế nào đi chăng nữa, trong tâm hồn mỗi người Việt Nam vẫn tồn tại sự tự do yêu đương, khát vọng được sống thủy chung một đời với người mình yêu. Cảnh sống vợ chồng hòa thuận đến đầu bạc, răng nong, vẫn được xã hội coi trọng và coi đó là một việc phúc đức. Ngẫm cho kỹ, thì đó cũng là khát vọng sống chân chính của loài người từ hàng triệu đời nay.
Tác giả: Phạm Thị Hợi
No comments:
Post a Comment